Lễ ra mắt Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần Thứ Nhất tại Hà Nội

Vào chiều ngày 1 tháng 4 năm 2024, lễ ra mắt Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần Thứ Nhất đã diễn ra tại Trường Khoa học Liên ngành & Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội với chủ đề: “Thực hành giám tuyển tại Việt Nam từ năm 2000-nay: Cơ hội và thách thức”. Hội thảo hứa hẹn mở ra những góc nhìn đa chiều và chuyên sâu về thực hành giám tuyển, một danh vị vốn còn mới mẻ trong quang cảnh nghệ thuật đương đại Việt.

Vân Đỗ, thành viên Ban tổ chức, Giám đốc nghệ thuật Á Space đang trình bày về khái quát thực trạng ngành giám tuyển tại Việt Nam trong vòng 20 năm qua. Hình: Cá Con

Chương trình Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần thứ Nhất do Á Space cùng Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật – Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU-SIS), Bộ sưu tập Dogma, Nguyễn Art Foundation và Trung tâm nghệ thuật The Outpost đồng tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 13 đến 14 tháng 4 năm 2024. Hội thảo sẽ quy tụ 18 diễn giả là các giám tuyển, người thực hành nghệ thuật, nhà nghiên cứu cũng như đại diện các tổ chức nghệ thuật công và tư đã và đang hoạt động, đóng góp tích cực cho quang cảnh chung của nghệ thuật khắp cả nước đến từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Huế.

PGS. TS. Nguyễn Việt Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật thuộc Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội (VNU-SIS) phát biểu về tính cấp thiết dành cho những ngành học, đào tạo liên quan đến ngành giám tuyển tại Việt Nam. Hình: Cá Con

Lễ ra mắt có sự tham gia của các đại diện Ban tổ chức, gồm có Vân Đỗ, Vũ Đức Toàn, Linh Lê và Châu Hoàng, thành viên Ban giám tuyển Á Space (Hà Nội),  PGS. TS. Nguyễn Việt Khôi, Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật thuộc Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội (VNU-SIS), Ban cố vấn dự án gồm có TS. Trần Hậu Yên Thế, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật thuộc Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội (VNU-SIS) và Lê Thuận Uyên, Giám đốc nghệ thuật Trung tâm nghệ thuật The Outpost (Hà Nội) cùng với các đại diện từ các tổ chức nghệ thuật trên địa bàn Hà Nội, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật cũng như giảng viên và sinh viên trường Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật. 

Anh Vũ Đức Toàn, một thành viên trong Ban Tổ Chức đang trả lời câu hỏi từ khán giả. Hình: Cá Con

Với mục tiêu trở thành nền tảng thảo luận cởi mở và có tính phản biện, phiên thứ nhất của Hội thảo với chủ đề “Thực hành giám tuyển tại Việt Nam từ năm 2000-nay: Cơ hội và Thách thức” tập trung giải quyết các vấn đề vẫn luôn tiềm tàng trước nay — những khúc mắc thực tiễn mà người làm công tác giám tuyển tại Việt Nam nhận thấy và gặp phải trong hơn hai thập kỷ qua. Từ đó, Hội thảo mong muốn xác định những cơ hội và khả năng giúp mở rộng và phát triển ngành nghề này tại Việt Nam, đồng thời tạo tiền đề cho sự ra đời các chương trình tập trung vào thực hành giám tuyển trong tương lai.

Các thành viên trong Ban Tổ Chức trả lời câu hỏi từ khán giả. Hình: Cá Con

Hội thảo Chuyên đề Ngành giám tuyển Lần thứ Nhất gồm có 05 Chuyên đề, mỗi Chuyên đề sẽ được trình bày bởi 03 Tham Luận Viên với các dẫn chứng cụ thể là các dự án nghệ thuật-giám tuyển tại Việt Nam. Sau 03 phần trình bày, Điều Phối Viên sẽ đặt ra các câu hỏi để Tham Luận Viên cùng khán giả có thể thảo luận thêm về các đề tài được trình bày. Hội thảo mở đầu bằng những suy tư có tính lịch sử nhằm đưa ra một cái nhìn bao quát về hành trình phát triển của ngành giám tuyển ở Việt Nam với Chuyên đề 1: Phả hệ thuật ngữ “curator” tại Việt Nam qua các thời kỳ và quan niệm về công việc giám tuyển, sau đó sẽ đi sâu vào các vấn đề phát sinh thực tiễn, đặc thù với bối cảnh nghệ thuật Việt Nam như Chuyên đề 2: Xây dựng cơ sở hạ tầng và cộng đồng như một thực hành giám tuyển, Chuyên đề 3: Tính “tác giả” trong công tác giám tuyển; Chuyên đề 4: Viết như một chiến lược giám tuyểnChuyên đề 5: Triển lãm như một địa bàn viết sử.

Cũng trong khuôn khổ của hội thảo này, với hi vọng thúc đẩy quan tâm về thực hành giám tuyển, viết nghệ thuật cũng như lịch sử nghệ thuật, và để tìm ra những gương mặt tiềm năng, Ban Tổ Chức phát động “Cuộc thi viết về nghệ thuật” dành cho các bạn học sinh-sinh viên tại Hà Nội. Các ứng viên tham gia được khuyến khích phản hồi, phân tích các chủ đề được nhắc tới trong Hội Thảo liên đới đến quan tâm về văn hoá, nghệ thuật cá nhân của bản thân.

Trong từ 1000 đến 1500 từ, người viết diễn giải, phân tích, phản hồi-tương tác, hoặc đưa ra một đề xuất liên quan đến công việc giám tuyển, trong tương quan với các nội dung đã được thảo luận tại Hội thảo Chuyên đề Ngành Giám tuyển Lần thứ nhất. Người viết được khuyến khích sử dụng một triển lãm, sự kiện văn hoá-nghệ thuật, hoặc trưng bày cố định của một bảo tàng, cơ sở văn hoá mà người viết đã có dịp tham quan để làm ví dụ chứng minh cho luận điểm của mình.

  1. (1) Thời gian 
  • – Thời gian phát động cuộc thi: 4/4/2024
  • – Hạn chót nộp bài: 17:00 ngày 15/5/2024 
  • – Công bố kết quả: 1/6/2024 
  1. (2) Phần thưởng 

03 bài viết tốt nhất sẽ nhận được phần thưởng là 1,000,000 VNĐ tiền mặt cùng ấn phẩm nghệ thuật từ tạp chí Art Republik, Măng Ta cùng 01 cặp vé tham quan triển lãm tại The Outpost Arts Organisation

  1. (3) Giám khảo
  • – Trương Quế Chi, thành viên Ban giám tuyển Nhà Sàn Collective, Giảng viên Đại học Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội
  • – Linh Lê, BTC Hội thảo Chuyên đề Ngành giám tuyển Lần thứ Nhất
  • – Nam Thi Lê, Biên tập tạp chí Art Republik
TS. Trần Hậu Yên Thế, thành viên Ban cố vấn dự án, trả lời câu hỏi từ khán giả. Hình: Cá Con

Hội thảo là hoạt động ra mắt VINACURA do Á Space, Nguyễn Art Foundation và Trung tâm nghệ thuật The Outpost đồng khởi xướng và thực hiện. VINACURA là một sáng kiến chung dài hơi nhằm chia sẻ nguồn lực và hỗ trợ lẫn nhau giữa các tổ chức tham gia nhằm phát triển và mở rộng các khía cạnh chuyên môn và thực tế của những người thực hành giám tuyển và viết ở Việt Nam.

HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ NGÀNH GIÁM TUYỂN LẦN THỨ NHẤT

Thời gian: 9:30 – 18:30 ngày 13 và 14 tháng 04 năm 2024

Địa điểm: Phòng triển lãm, Trung tâm Mỹ thuật Đương Đại – Hội Mỹ thuật Việt Nam, 621 Đê La Thành, Hà Nội