NGHỆ SĨ PIANO BÍCH TRÀ: NGHỆ THUẬT DÀI LÂU MÀ ĐỜI THÌ NGẮN NGỦI

Trong buổi trình diễn vào tối 6/12 vừa qua tại TP. HCM, nghệ sĩ piano Bích Trà đã đưa khán giả chìm đắm trong những thanh âm du dương của Mozart, Chopin và ba tác phẩm được tuyển chọn từ CD mới “Nimrod Borenstein: Piano Works”.

Ngắm nhìn các ngón tay phóng lướt trên phím đàn, lắng nghe những âm giai diệu kỳ thay nhau “nhảy múa” bất nguyên tắc và suy tưởng trong bao chia sẻ của nghệ sĩ Bích Trà về những mảnh ký ức gãy gọn mà tôi không thể không hình dung về một thứ âm nhạc vượt lên địa hạt và ranh giới, để khán giả bước vào và đắm chìm trong đó. 

Là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được trao tặng danh hiệu ARAM (Associate of the Royal Academy of Music, thành viên của Viện Âm nhạc Hoàng gia, Anh) cho những cống hiến âm nhạc nổi bật và dành hơn 40 năm gắn bó với nhạc cổ điển, nghệ sĩ Bích Trà đã mang điệu đàn xuất chúng của mình đi lưu diễn tại các nhà hát quốc tế trứ danh, từ Queen Elizabeth Hall, Wigmore Hall, Cadogan Hall, Tokyo Opera City cho đến Hong Kong City Hall. Giờ đây, những ngón đàn “tinh tế, sắc sảo” (phỏng theo báo Rheinpfalz-Zeitung) của chị lại được trở về với quê hương Việt Nam trong sự kiện ra mắt CD Nimrod Borenstein: Piano Works, một album vốn đã được giới thiệu với công chúng quốc tế từ tháng 9, 2023.

Art Republik có dịp đối thoại với nghệ sĩ Bích Trà để lắng nghe những chia sẻ chân thành của chị sau buổi công diễn và hiểu thêm về quá trình đưa âm nhạc của một nghệ sĩ dương cầm đến gần hơn với khán giả yêu nhạc.

TÔI VẪN LUÔN CẢM THẤY NHƯ ĐƯỢC “BAY” CÙNG TÁC PHẨM

Mặc dù đã trình diễn và thu âm vô số tác phẩm suốt hơn bốn mươi năm qua, song với nghệ sĩ piano Bích Trà, CD Nimrod Borenstein: Piano Works vẫn là một thử thách “khó khủng khiếp”. Bởi lẽ, đây là một đĩa nhạc đương đại với những đột phá về cách sáng tác cả trong nhịp điệu lẫn tư duy nhưng vẫn phải truyền tải vẻ đẹp cổ điển của giai điệu đầy uyển chuyển. 

“Những giai điệu như xen lẫn nhau với các nhịp điệu riêng của từng bè tạo cảm giác khó nắm bắt, mông lung như dạo chơi trên giải ngân hà ngắm các vì sao có chuyển đổi, nhịp điệu và năng lượng riêng” – Nghệ sĩ Bích Trà chân thành nói. 

Lắng nghe những chia sẻ này, tôi bồi hồi nhớ lại ánh mắt lấp lánh của chị trong lúc kể về ký ức tập đàn mùa dịch: “Tác phẩm của Nimrod Borenstein có nhịp chồng nhịp – những nhịp nhạc phức tạp và bất tuân nguyên tắc”. Giai điệu của tác phẩm tạo ra nhiều thách thức nhưng khi luyện tập thuần thục, chị lại cảm thấy như được “bay” lên cùng những giai điệu vì chẳng có bất kỳ nguyên tắc hay thứ nhịp nào níu giữ. 

Nhưng càng nhiều thử thách thì quá trình làm nhạc lại thêm phần thú vị, nghệ sĩ Bích Trà đã gặp Nimrod Borenstein từ năm 2019 và dự kiến thu CD vào năm 2020. Nhưng, COVID lại ập đến, chị vẫn giữ thái độ lạc quan rằng: “mình sẽ có thêm thời gian để tập luyện” và bền bỉ với quá trình thu âm CD Nimrod Borenstein: Piano Works. Đây là một đĩa nhạc chứa đựng nhiều tác phẩm đa sắc màu, từ Vườn Nhật Bản mang đậm chất thiền, nhạc dân ca Trung Quốc, nhạc châu Âu đến giai điệu sôi động của âm nhạc Nam Mỹ và cả 3 tác phẩm đều viết về những mảnh ký ức thời thơ ấu.  

Tâm sự thêm về CD, nghệ sĩ Bích Trà thủ thỉ, chị yêu những nhịp điệu mênh mông của một người trưởng thành đứng trước chiếc nôi trẻ con, ngắm nhìn những món đồ chơi và hồi tưởng cả quãng đời mình bước chân qua. Đó không phải là chấp niệm hay tiếc nuối với quá khứ, thanh âm ấy chỉ là sự chấp nhận những điều đã xảy ra với niềm an yên, bình thản. 

Quá trình hợp tác với nhà soạn nhạc Nimrod Borenstein là một hành trình đầy lý thú của nghệ sĩ Bích Trà với nhiều khám phá mới mẻ. Bởi, đây là lần đầu tiên chị hợp tác với một tác giả đương đại cho cả một chương trình. Ông là nhà soạn nhạc với những kiến thức nền tảng cùng nhiều hiểu biết uyên bác, song Nimrod vẫn giữ được tiếng nói riêng trong phong cách sáng tác với nhịp nhạc đa chiều. 

“Làm việc với ông, tôi cảm thấy như được ôn lại những nền tảng kiến thức, để mở ra những cánh cửa mới cho tư duy âm nhạc. Thật sự, nếu không làm việc cùng, chắc Bích Trà còn phải lúng túng rất nhiều để hiểu và thẩm thấu được tư duy thẩm mỹ về âm thanh và nhịp điệu của ông” – chị nói thêm.

Với chị, việc được thu âm tác phẩm của nhạc sĩ còn sống là điều may mắn, vì cả hai đều có cơ hội được sẻ chia, trao đổi những góc nhìn đa chiều về nhân sinh quan, thẩm mỹ âm thanh với nhau,…Cả hai hòa hợp và phản hồi cho nhau liên tục và chặt chẽ trong quá trình làm việc. 

NGHỆ THUẬT LÀ MỘT THẾ GIỚI MỞ

Ở thời điểm hiện tại, nghệ sĩ piano Bích Trà vẫn trường sức và bền bỉ trên hành trình âm nhạc, chị duy trì việc học bài mới, hoàn thiện các tác phẩm mình yêu thích và ấp ủ từ lâu. Song song, chị cũng chuẩn bị cho những đĩa nhạc mới và giảng dạy cho học sinh, sinh viên. Nằm ngoài phạm vi không gian và thời gian, bất kể vị trí địa lý hay thời điểm nào, Bích Trà cũng sẽ tiếp tục làm những công việc này.  Đó cũng là lý do Bích Trà không hay kế hoạch dài hạn mà chỉ làm việc theo ngày, mỗi ngày đều cố gắng làm tốt hơn hôm qua, đi từng bước nhỏ.

“Trong thế giới nghệ thuật, việc sống và làm việc tại trời Âu có tác động thế nào tới ngôn ngữ âm nhạc của chị Bích Trà?” – người viết thắc mắc. 

Là một nghệ sĩ sinh ra ở Việt Nam, việc được lớn lên, học tập và làm việc ở trời Âu trước khi trở về quê hương để chị được tiếp nhận và khai mở nhiều ý niệm nghệ thuật mới. Vì nhạc cổ điển châu Âu là một ngôn ngữ có tính logic cao (highly structured) nên quá trình học tập và làm việc ở nước ngoài là cơ hội tốt để tìm hiểu, nắm bắt những cấu trúc mới lạ ấy một cách cụ thể hơn qua các hoạt động văn hóa dày đặc tại những thủ đô văn hóa lớn như London, Paris, Berlin hay Moscow. 

Chị quan niệm, nghệ thuật là một thế giới mở (unlimited energy). Trong quá trình làm việc, chị luôn mong muốn được sống trong thế giới ấy, điều này không đồng nghĩa với việc ta phải cố dùng ý chí của mình để tạo ra âm thanh. Bởi việc đó thường mang đến những giới hạn.

“Khi bạn thả lỏng và để nghệ thuật cuốn trôi là một trạng thái tự do rất tuyệt. Âm thanh mà bạn tạo ra sẽ rất khác và công chúng sẽ cảm nhận được điều đó” – chị giải thích kỹ hơn. 

Với nghệ sĩ piano Bích Trà, âm nhạc và cây đàn dương cầm mang một ý nghĩa rất lớn. Mỗi ngày trôi qua, khoảnh khắc chị để ngón tay lướt trên từng phím đàn và khám phá những điều mới mẻ qua thanh âm của cây đàn khiến chị cảm thấy chặng đường này, suốt bốn mươi năm qua, vẫn luôn tươi mới và nhiều niềm hy vọng. Thế giới âm nhạc là một thế giới đầy sinh động và phong phú, đôi khi, chị:

“Chỉ mong mình có đủ năng lượng để nắm bắt được những khám phá ấy. Bởi: Ars longa, vita brevis – Ryuichi Sakamoto (tạm dịch: tiếng Latin nghĩa là: Nghệ thuật thì dài lâu mà cuộc đời thì ngắn ngủi)”. 

“Nghệ thuật luôn là những tìm tòi khám phá biểu cảm riêng của nhạc sỹ nghệ sỹ, hành trình tới gần khán giả cần nhất giản dị chân thành không nhất thiết phải khoác những chiếc áo hào nhoáng”. 

Để khép lại buổi trò chuyện thân mật, người viết kết bài bằng câu hỏi thân quen trong nhiều cuộc phỏng vấn: 

“Vậy chân trời nào mà chị muốn chinh phục trong tương lai?” – “Vẫn như chia sẻ bên trên của mình thôi, nghệ thuật thì dài mà kiếp người thì ngắn, chỉ mong có sức khỏe dài lâu để hàng ngày đều được nắm bắt, tiếp những những tư duy, cảm xúc mới, được vậy là Bích Trà thấy mình may mắn lắm rồi”. 

Art Republik xin cảm ơn và chúc chị thành công với những dự định trong tương lai!

Bài: Phương Uyên