Hoạ sĩ Nguyễn Việt Cường: “Sự la cà làm nên hồn nghệ sĩ”

Tôi gặp Hoạ sĩ Nguyễn Việt Cường khi triển lãm Tiếp diễn cuộc sống đã diễn ra hơn nửa tháng, cũng là lúc anh Cường hạnh phúc nhất với những trải nghiệm mà triển lãm mang lại – những người bạn, những tâm hồn đồng điệu, cả những người nhìn tranh của anh và chực khóc. Có lẽ, cuộc chơi của anh với chất liệu thô trong sáng tạo nghệ thuật chỉ mới bắt đầu – một cuộc chơi đầy hồn nhiên và vui thú, một cuộc chơi để đô thị Sài Gòn hiện tồn trong dáng dấp nghệ thuật nhân văn và ý vị đáng trân trọng.

SỰ LA CÀ LÀM NÊN HỒN NGHỆ SĨ

Xin chào anh Cường. Chúc mừng anh với những tác phẩm được đón nhận trong Triển lãm Tiếp diễn cuộc sống. Đây có phải là triển lãm đầu tay của anh không?

Tôi theo học ngành Sơn dầu tại Đại học Mỹ thuật TP HCM từ năm 2009 đến năm 2014, sau đó chuyên tâm thực hành nghệ thuật trong những năm gần đây. Dẫu các tác phẩm đã được trưng bày trong khá nhiều triển lãm, đây là triển lãm nhóm đầu tiên mà tôi tham gia.

Ngôn ngữ nghệ thuật của anh trong triển lãm rất đặc sắc – những chất liệu thô như nhôm, những tấm poster dán khắp đường phố. Chất liệu này có liên hệ gì với chuyên ngành Sơn dầu thuở anh còn đi học không?

Tôi nghĩ nó không liên hệ trực tiếp, nhưng phải thừa nhận rằng những năm đại học đã truyền cho tôi cảm thức mỹ thuật và tinh thần sáng tạo. Tôi vẫn còn nhớ như in câu nói của một thầy giáo trường Mỹ thuật: “Không trường học nào trên thế giới dạy ta trở thành nghệ sĩ. Nhà trường nuôi nấng căn bản, còn cái tôi là sự sáng tạo tự thân”. Kể từ dạo đó, tôi đã hiểu mình cần làm gì trên con đường nghệ thuật – gìn giữ bản tính “la cà” và tinh thần sáng tạo độc nhất.

Cũng trong năm ấy, tôi gặp phải khủng hoảng khi thực hành sơn dầu. Càng học, tôi càng nhận ra các bậc tiền bối đã khai thác đến chân cùng ngõ hẻm chất liệu sơn dầu để tạo nên kiệt tác. Khủng hoảng này gieo vào tôi một ý thức nguyên sơ để tìm kiếm những chất liệu mới và tái định nghĩa tác phẩm của mình. 

Sự la cà mà anh nhắc đến là gì?

Thuở bé, tôi từng là đứa trẻ ham chơi, luôn hứng thú với thế giới xung quanh và có thể dành hàng giờ để quan sát vạn vật trên đường phố. Chính sự la cà ấy đã định hình nên phong cách sáng tác của tôi hiện tại, gắn liền với chất liệu thô sơ, giản dị của phố phường Sài Gòn.

Tôi còn nhớ lần đầu tiên khi tôi chìm đắm vào thế giới của những chiếc thùng carton. Trong một lần dạo phố, tôi nhìn thấy một người giao hàng đang chở trên xe một chồng rất cao những thùng mì tôm. Trong thoáng chốc, tôi bị mê hoặc bởi vẻ đẹp của người lao động — nhưng hơn cả thế, tôi chìm vào sắc vàng ấm và thô mộc của chất liệu carton. Vẽ người giao hàng lên giấy hay canvas cũng là những thực hành đã cũ. “Nhưng sẽ thế nào nếu mình vẽ anh ấy lên chính chất liệu của thùng mì tôm – carton?”, tôi tự hỏi. Mối liên kết kỳ thú giữa chất liệu và ý niệm tác phẩm sáng bừng lên trong tôi, và tôi bắt tay thực hiện ý tưởng của mình.

Vậy ra dự án Sài Gòn Hộp anh thực hiện trong đợt dịch COVID-19 không phải là lần đầu tiên anh sử dụng chất liệu carton?

Không đâu. Tôi gọi đó là thời điểm thiên thời – địa lợi – nhân hoà, khi ý tứ đã chín tới và bung nở. Rõ ràng trong giai đoạn dịch bệnh, hộp carton là chất liệu toàn hảo để kể câu chuyện Sài Gòn và cách cư dân thực hiện giãn cách trong căn nhà đóng kín – những chiếc hộp bê tông khổng lồ. Hơn thế nữa, thùng carton phản ánh một thực tế xót xa của dịch bệnh khi lớp lớp người sống nhờ vào thùng hàng cứu trợ, đồng thời ám gợi chủ nghĩa tiêu dùng của xã hội ngày nay. Ý tưởng với thùng carton ồ ạt chảy trôi và cứ thế tôi nhập dòng sáng tạo. Giai đoạn ấy, mỗi đêm lúc các con đã chìm vào giấc ngủ, tôi ngồi một mình, miệt mài vẽ đến sáng.

SÀI GÒN TRONG MẮT NGƯỜI LA CÀ

Trải qua một thập kỷ, Sài Gòn trong mắt anh đã thay đổi như thế nào? 

Tôi vẽ Sài Gòn từ những năm 2009, lúc vừa đặt chân đến mảnh đất này, với đa dạng chất liệu như sơn dầu, lụa, bột màu. Khi hồi tưởng lại những bức tranh đầu tiên về Sài Gòn, đó là hiện thực công nghiệp diễn ra vào đầu thế kỷ XXI. Thuở đi học, tôi từng vẽ những công trình Sài Gòn thô cứng trên chất lụa mềm mại – một tác phẩm đã đạt giải thưởng. Sài Gòn lúc đó là những gì tôi thấy bằng mắt và khắc ghi trong tâm trí.

Nhưng càng về sau, tôi tin rằng mình đã trở thành một phần của Sài Gòn chứ không còn là kẻ ngoại đạo chiêm ngắm thành phố này từ một khoảng cách nhất định nào đâu nữa. Tôi thấu thị Sài Gòn. Tôi hiểu Sài Gòn hơn trong đỉnh dịch COVID-19, mỗi khi nghe tiếng khóc thét lên của một người hàng xóm và hiểu rằng có ai đó đã ra đi nên tôi chọn giãi bày sự đau xót trong tác phẩm Lặng (2021). Tác phẩm tái hiện một người giao hàng đặc biệt trong giãn cách – họ giao hũ tro cốt của những người đã khuất. Tôi hiểu Sài Gòn khi thấy một công nhân mang bỏ chiếc khay cơm mà về sau tôi xin lại để dùng làm tác phẩm Mâm cơm (2021). Và tôi hiểu Sài Gòn khi chứng kiến một người đàn ông bị vợ bỏ trong đỉnh dịch. Anh lâm vào cảnh “gà trống nuôi con” và tuyệt vọng vì mất tất cả nhưng hai năm sau, tôi lại bắt gặp anh ấy cười đùa với con trước cửa nhà. Câu chuyện của anh đã truyền cảm hứng để tôi thực hiện tác phẩm On Off (2023) – tỏ ý rằng sau mọi giông tố, an yên sẽ trở về. 

Chính Sài Gòn cũng tác động đến bút pháp sáng tạo của tôi. Nếu ban đầu tôi thiên về tả thực thì càng về sau, sáng tác của tôi đã phá vỡ cấu trúc chủ thể và tiến gần đến địa hạt của ý niệm, chẳng hạn như những tác phẩm tái cấu trúc poster cũ. Đó là công cuộc phá vỡ nội dung, phân mảnh hiện thực, là cuộc chơi của bản chất cuộc sống đầy ngẫu hứng. Nói thế để hiểu, Sài Gòn trong tôi đã đi từ hữu hình đến vô hình, từ nhận thức đến thấm nhuần thành cảm thức, tâm thức và chảy tràn trong tác phẩm của tôi. Mọi ngóc ngách phố phường hồi quy về tâm trí, tôi trút trọn bản thân mình lên tác phẩm vì chính mình cũng là một Sài Gòn.

“Lặng” (2021), nghệ sĩ vẽ một người giao hàng đang giao những hũ tro cốt trong bối cảnh Sài Gòn lâm đại dịch

Tác phẩm “Không đề” (2022) (phải) được nghệ sĩ tái cấu trúc từ poster (trái)

Thật kỳ thú khi bản tính la cà đã giúp anh khám phá Sài Gòn từ mọi góc độ, biến chất liệu thành cuộc chơi sáng tạo. Nhưng hơn cả thế, có động lực nào thôi thúc anh không ngừng sáng tạo hay không?

Tôi làm nghệ thuật để trị liệu tâm lý con người. Trong những năm gần đây, tôi nghiên cứu nhiều và chịu ảnh hưởng bởi bác sĩ, chuyên gia tâm thần học Alfred W. Adler, cũng là người đã sáng lập trường phái tâm lý học cá nhân. Ngay ở xã hội Việt Nam, tôi có thể chứng thực được “phức cảm tự ti” mà Adler từng đề xướng, đặc biệt ở những người nghèo khổ. Chính điều này đã trở thành động lực sáng tạo của tôi — để phá vỡ định kiến rằng nghệ thuật thuộc về giới tinh hoa hay cho người giàu có. Nghệ thuật tôi hướng đến là nghệ thuật dành cho và phải lay động được muôn người.

Tôi mang tinh thần này khi sáng tác Hủ tiếu gõ (2023). Ý tưởng cho Hủ tiếu gõ đến rất nhanh: trong một lần la cà trên phố, tôi bắt gặp một xe hủ tiếu soi bóng xuống vũng nước mưa mà thấp thoáng trong bóng hình lay lắt đó là cuộc đời bấp bênh, mong manh của bao người bất hạnh. Thế là tôi đến một xưởng ở Sài Gòn và đặt những người công nhân làm một chiếc bàn nhôm mà về sau chính là mặt phẳng của Hủ tiếu gõ – tôi mời gọi công nhân đồng sáng tạo, xem công trình lao động của họ như một phần kiến tạo tác phẩm mình. Trên mặt phẳng ấy, tôi khò chất nhôm để tạo ra sắc xanh của bóng nước và dùng sơn Bạch Tuyết đỏ – loại sơn điển hình mà dân ta vốn đã dùng để sơn bảng hiệu từ những năm 1975 – để hoạ ba chữ “Hủ tiếu gõ” ở trung tâm tác phẩm. Sau này, khi tác phẩm được trưng bày và nhận lại sự đồng cảm, tôi quay lại xưởng nhôm và kể cho những người công nhân cùng nghe. Họ vừa bất ngờ cũng vừa cười rộ lên, đủ để tôi hi vọng tác phẩm của mình đã ôm ấp, nâng niu tinh thần một đôi người.

  Tác phẩm “Hủ tiếu gõ” (2023) được trưng bày tại Triển lãm “Tiếp diễn cuộc sống”

Làm thế nào để anh nuôi dưỡng sự la cà?

Tôi chuyện trò với trẻ thơ. Hiện tại, tôi đang dạy nghệ thuật cho một số bạn nhỏ từ 6 đến 12 tuổi, có những em đã dạy đến 6 năm. Một mặt, tôi giảng dạy với mong muốn thế hệ trẻ được tự do khám phá mỹ thuật và phát triển đam mê. Nhưng quan trọng hơn, đồng hành cùng các em giúp tôi nuôi dưỡng sự hồn nhiên, vô tư vốn có bên trong mình. Tôi bắt đầu những buổi học bằng cách chơi với học trò, cùng các em sáng tạo tác phẩm như một cuộc chơi kỳ thú với chất liệu. Nghệ sĩ nào cũng cần một hồn trẻ bên trong.

Thời gian tới, anh sẽ tiếp tục khai phá và mày mò những chất liệu đô thị này chứ?

Đúng vậy. Tôi sẽ nghiêm túc đầu tư khám phá cũng như thực hành phân mảnh, tái cấu trúc các chất liệu mới, các tạo vật đô thị ở quy mô lớn hơn. Tôi cũng đang ấp ủ một dự án cho quê hương Kiên Giang của mình bởi trong những năm này về quê, tôi bỗng thấy quê mình “mất đi” một ngọn núi – những nhà máy xi măng đã khai thác quá nhiều đất đá. Thực hành quan sát cứ thế mang đến nhiều ý tưởng, và nghệ thuật của tôi sẽ luôn neo vào thực tế khởi sinh, neo vào những diễn tiến của con người và xã hội đương thời.  

Cảm ơn anh vì một cuộc chuyện trò chân tình và nhiều cảm xúc. Art Republik rất vui đã là một phần của Triển lãm “Tiếp diễn cuộc sống” để được chứng kiến sự nở rộ trong phong cách và chọn lọc chất liệu của anh. Chúc anh Cường sẽ luôn giữ được sự “la cà” và tấm lòng vị nhân sinh cao đẹp của một nghệ sĩ bên trong mình.

_

TRIỂN LÃM “TIẾP DIỄN CUỘC SỐNG”

⁘ Thời gian triển lãm: từ 15:00 đến 23:00 mỗi ngày, từ ngày 9/12/2023 đến ngày 13/1/2024 (không bao gồm Chủ nhật). 

⁘ Địa điểm: Ô Art Bar – 292/15 Điện Biên Phủ, Phường 17, Quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.

Triển lãm mở cửa tự do không thu phí từ 15:00 đến 18:00 và phụ thu 50.000/khách tham quan từ 18:00 đến 23:00 mỗi ngày.

Happy Hour: Menu Freeflow và giảm giá 30% thức uống pha chế từ 18:00 đến 21:00 mỗi tối.

* Triển lãm không thu phí khách tham quan từ 20 tuổi trở xuống, sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật TP. HCM, Trường Đại học Kiến trúc TP. HCM và sinh viên các ngành nghệ thuật. Bạn tham quan triển lãm vui lòng mang theo CCCD hoặc thẻ sinh viên nếu thuộc trong những trường hợp trên.

Bài: Thuỷ Tiên