Ivan Marchuk là con út trong một gia đình ở làng Moskalivka, tại Ukraina. Cha ông là một thợ dệt nổi tiếng của vùng và cả nhà đều làm việc chăm chỉ để sống qua cơn nghèo khó. Mặc dù thiếu thốn, đứa trẻ Marchuk vẫn cố gắng tạo ra tác phẩm nghệ thuật bằng sơn, phấn màu, màu nước trên giấy với những sắc tố thiên nhiên xung quanh mình. Ông từng chia sẻ rằng khi mình học lớp 7, lần đầu tiên trong đời ông nhận thức việc mình chắc chắn sẽ trở thành họa sĩ, còn trước đấy chỉ là vẽ chơi. Cha mẹ muốn ông học để trở thành bác sĩ phẫu thuật hoặc nhà sinh vật học, nhưng họ không thể cản trở được giấc mơ của con trai mình.
“Làm một họa sĩ cũng như làm người. Tôi, một con người, đứng đây để lại dấu ấn. Nếu bạn là một họa sĩ thực sự có tài, bạn sẽ để lại rất nhiều điều phía sau. Bởi vì người ta nói cuộc đời thì ngắn ngủi, nhưng nghệ thuật là vĩnh cửu.”
Vì trong làng không có ai theo nghiệp hội họa, ông đã không biết kì thi đầu vào cần chuẩn bị những gì. Sau lần đầu thi rớt, Marchuk thi lại và vào Trường Nghệ thuật Ứng dụng Ivan Trush Lviv khoa Hội họa trang trí (1951-1956).
Ông mô tả thời đi học của mình là một giai đoạn mang tính chuyển hóa. Ông bày tỏ lòng kính trọng đối với những giáo viên có tư tưởng tiến bộ, những người đã truyền cảm hứng để ông khám phá ra khỏi vùng an toàn về mặt tư tưởng của chủ nghĩa hiện thực xã hội. Để rồi ông gia nhập một nhóm làm nghệ thuật ngầm vào năm 1959, do một trong những giáo viên của ông – Karl Zvirynskyi đứng đầu – người đã giới thiệu cho các thành viên của nhóm về nghệ thuật, lịch sử, âm nhạc, văn học và tôn giáo không được thừa nhận trong nước.
Trong suốt thập niên 1960, ông phải làm nhiều nghề khác nhau để có thể xoay sở được cuộc sống khi chuyển đến thủ đô Kyiv. Năm 1968, Marchuk bán tác phẩm đầu tiên của mình cho chính trị gia nổi tiếng sau này là Yury Shcherbak. Trong thời gian rảnh rỗi, ông dồn hết tâm hồn vào nghệ thuật của riêng mình, thử nghiệm các chất liệu khác nhau, chẳng hạn như mực và keo, đồng thời tìm cách đưa nghệ thuật của mình ra nước ngoài.
Cuộc đời Marchuk bất ổn vào những năm 1970, KGB bắt đầu để ý sự bất bình của ông và quấy rối vì những tác phẩm đi ngược chủ nghĩa hiện thực xã hội. Chính quyền Liên Xô đặc biệt quan tâm đến những gam màu tối mà họ cho là không phù hợp trong những thứ tươi sáng đặc trưng của hiện thực xã hội chủ nghĩa. Ngoài ra, họ còn nghi ngờ ông có thiện cảm với chủ nghĩa dân tộc Ukraina; vì ông đến từ Lviv, nói tiếng Ukraina và vẽ các khung cảnh của Ukraina. Từ đó, Liên minh Nghệ sĩ Liên Xô từ chối cho ông vào hàng ngũ, chặn đứng việc ông có thể tham gia triển lãm và bán tác phẩm của mình.
“Tôi đã bị cấm trong 17 hoặc 18 năm. Đến năm 1975, tôi mơ ước thoát khỏi địa ngục đó. Đó thực sự là địa ngục. Bạn biết đấy, việc tôi đến từ Lyiv đã khiến tôi trở thành một người theo chủ nghĩa dân tộc. Và điều đáng sợ nhất là tôi đã can thiệp vào thánh địa của chủ nghĩa hiện thực xã hội, và tôi đã bắt đầu phá hủy nó… trong tất cả các tác phẩm nghệ thuật của mình”.
Trong giai đoạn này, ông thường vẽ những bức tranh nhỏ để giấu và gửi đi đâu đó ở nước ngoài. “Lúc đó tôi không biết mình có sống sót được không và tôi muốn tranh của mình ít nhất có thể tồn tại được… Những bức tranh của tôi được tạo ra theo cách mà chúng có thể được sử dụng làm bản in trên vải, trên khăn quàng cổ, túi xách, váy.” Ông chia sẻ với BBC Ukraina năm 2019.
Chỉ đến năm 1980, Marchuk mới có cuộc triển lãm đầu tiên ở Kyiv, được tài trợ bởi các nhà văn mà ông thân thiết. Mặc dù ông có thể bán một số tác phẩm trong các cuộc triển lãm cá nhân, nhưng việc không được tiếp cận các phòng trưng bày nghệ thuật đã hạn chế rất nhiều cơ hội. Khi Mikhail Gorbachev trở thành Tổng bí thư năm 1985, KGB ngừng quấy rối và ông càng muốn được ra nước ngoài hơn. Từ đây, ông bắt đầu cuộc sống du mục của mình trong 12 năm sang Úc, Mỹ, và Canada, tạo dựng được tên tuổi ở nước ngoài.
Năm 1988, ông có cơ hội đến thăm Tiệp Khắc và tạo được ấn tượng với cộng đồng nghệ thuật ở đây. Một năm sau, nhờ nỗ lực của người bạn nghệ sĩ người Úc gốc Ukraina – Peter Kravchenko, ông đã được cấp thị thực đến thăm Úc, các tác phẩm của ông được trưng bày bởi Hiệp hội Nghệ sĩ Ukraine, cũng như các phòng trưng bày thương mại ở Sydney. Khi ở nước ngoài, Hiệp hội Nghệ sĩ Liên Xô cuối cùng đã cấp cho ông quyền thành viên. Năm 1990, cuộc triển lãm chính thức đầu tiên của ông ở quê nhà diễn ra ở Kyiv tại Bảo tàng Mỹ thuật Quốc gia Ukraine (nay là Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia Ukraina). Dù không được đánh giá cao ở Liên Xô, ông lại được chấp nhận ở một Ukraina độc lập, nhận được Giải thưởng Quốc gia Shevchenko danh giá vào năm 1997.
“Đúng, tôi đã được đưa vào bảng xếp hạng 100 thiên tài của thời đại chúng ta, nhưng tại sao tôi lại phải coi mình là thiên tài? Tôi coi mình là một nghệ sĩ vẽ tranh và mọi thứ khác. Không có gì thay đổi hoặc thêm vào cuộc sống của tôi kể từ cái đánh giá đó.”
Ivan Marchuk nói về việc mình được tạp chí Telegraph (Anh) xếp hạng thiên tài trong năm 2007.
Ở độ tuổi 66, ông đã mua bộ trang phục đầu tiên trong đời để kỷ niệm việc được trao danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân Ukraine, và sau đó là lần đầu tiên ông được lái chiếc xe ô tô của mình. Dù phải rời quê hương một thời gian dài, ông vẫn yêu Ukraina và chính thức quay về quê nhà sống vào 2011.
“Nhà là nơi mà ở đó có tổ ấm, có gia đình. Làng của tôi là quê hương nhỏ bé gần gũi nhất. Sau này, khi tôi nhìn được xa hơn, vùng đất này đã trở thành quê hương của tôi.”
Trong suốt sự nghiệp của mình, Marchuk đã thực hiện hơn 4500 tác phẩm và một nửa trong số đó đang nằm trên khắp các nước ông từng đi qua. Tính riêng ở Kyiv, ông thừa nhận rằng không có chỗ để trưng bày đủ tranh của mình, mặc dù đã có kế hoạch về việc xây dựng một bảo tàng mang tên ông từ năm 2005. Sự mệt mỏi và nổi tiếng của ông đã lên đến đỉnh điểm vào năm 2019, ông nói với tờ BBC Ukraina rằng:
“Tôi chán khoe khoang rồi, tôi cũng chán Kyiv lắm, ở đây họ chỉ yêu họa sĩ đã khuất thôi. Mặc dù mọi người vẫn gặp tôi trên phố và hỏi họ có thể xem tranh ở đâu? Và tôi trả lời họ: “Hãy đến cơ quan chức năng và hỏi khi nào bảo tàng sẽ hoạt động ấy?”. Các bạn có thể xem tranh của tôi ở bảo tàng bao nhiêu lần tùy thích, ngay cả khi tôi mất.”
Đồng nghiệp và bạn bè khuyên ông nên mở một bảo tàng ở nước ngoài. Bản thân ông cũng nói rằng nước Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng xây cho ông một cái bảo tàng nếu ông muốn, và ông xứng đáng có một bảo tàng như Picasso, Salvador Dali, hay Van Gogh. Lý do lớn nhất khiến ông vẫn muốn nhà nước mở bảo tàng cho mình vì ông muốn làm giàu cho quê hương như cách Van Gogh đã làm cho Amsterdam. Ông chia sẻ thêm: “Người ta quý trọng tôi lắm, nhưng nhà nước lại không quan tâm đến điều đó. Mọi người chặn tôi trên đường mỗi ngày. Họ nghĩ rằng tôi nên đi xe bọc thép và có thêm đoàn xe hộ tống, nhưng tôi đi bộ, cho quạ và mèo hoang ăn, chơi đùa như một kẻ ăn bám“.
Có thể nói ông có một mối quan hệ yêu ghét với chính quê hương của mình. Marchuk thẳng thắn nói rằng Ukraina sinh ra những nhân tài, nhưng họ không thể nở rộ ở chính đất nước mình. “Bạn biết là con cái chúng ta bây giờ thông minh đến mức nào. Chúng chiếm vị trí cao nhất trong các cuộc thi quốc tế, nhưng mọi tài năng đều phải phát triển và cống hiến cho nhân loại. Nếu chúng không thể phát triển trên mảnh đất này, thì chúng phải tìm một vùng đất khác, nơi chúng sẽ là chậu hoa được tưới nước mỗi ngày. Thật không may, ở Ukraine, điều đó đã không xảy ra“.
Kỹ thuật vẽ đan xen được ông xác nhận là lần đầu thực hiện trong các tác phẩm phong cảnh vào năm 1972. Đây là thành quả được ông tiếp nhận từ chủ nghĩa điểm nhấn (pointillism), chủ nghĩa phân chia (divisionism) và nghệ thuật phân tích. Trước khi được công nhận chính thức, thuật ngữ “Pliontanism” từng bị coi là trò đùa trong giới phê bình. Theo Marchuk, ông khẳng định rằng nó không thể bắt chước được vì tính phức tạp và tốn nhiều thời gian thực hiện.
“Tôi bắt đầu vẽ khi bản thân không biết mình đang vẽ gì. Mỗi ngày một chiếc lá nhỏ mới xuất hiện, một bức tranh mới. Đây là cách chu kỳ “tiếng nói của tâm hồn tôi” xuất hiện. Tôi bị mê hoặc bởi những hàng cây trơ trụi, vẻ đẹp từ đường gân lá. Và làm thế nào để miêu tả mọi thứ? Vì vậy, tôi đã phát minh ra kỹ thuật “Plontanism” (пльонтанізм) của riêng mình, từ chữ “plontate” (пльонтати) có nghĩa là chồng lớp. Từ này là do mẹ tôi đang chải mái tóc dài của mình nghĩ ra và nói rằng nó quá “rối”. Thế là tôi bắt đầu vẽ, vẽ hàng chục cây số đường nét để tạo nên một cảnh quan. Nhân tiện, con vật yêu thích của tôi là con nhện vì nó biết dệt tơ.”
Mãi sau này, ông nhiều lần lặp lại việc mình ghét 11 năm đi học trước đó ra sao, vì ông không muốn trở thành một “nghệ sĩ Xô viết bình thường”. Đây là bước đầu tiên trong sự nghiệp ông mà ông gọi là “Tiếng nói của tâm hồn”. Tranh của ông được chia thành 13 chu kì khác nhau và triển lãm năm 2019 được trưng bày đầy đủ từng chu kì. Trong số đó, có đến 3 chu kì ông lặp lại vẽ phong cảnh vì tình yêu thiên nhiên của mình, thời còn trẻ ông vẽ cảnh làng quê, thập niên 1980 thêm một lần nữa, và gần đây là năm 2019 ông tập trung vào vẽ cảnh đêm.
Vào một ngày tháng 11, Marchuk nhìn những cành cây trơ trụi đan xen vào nhau như ren và nghĩ ra cách vẽ chúng theo một cách mới. Sau đó, ông nhớ đến cha mình, một người thợ dệt, và cố gắng đan xen các nét vẽ trên vải toan, giống như những sợi chỉ đan vào nhau trên khung cửi. Marchuk so sánh phong cách sáng tạo của mình với nhạc jazz, bởi ông luôn ứng biến: “Không thể sao chép sự ngẫu nhiên. Bạn phải làm điều đó một cách tình cờ”.
Kỹ thuật của ông cũng được cải tiến nhờ việc đi khắp nơi. Ví dụ lúc đến từ Mỹ, ông bắt đầu sử dụng các loại màu đặc, dạng dán: chúng bền hơn và thời gian khô lâu hơn. Nhưng những bức tranh mà vị họa sĩ tạo ra bằng màu Liên Xô vẫn giữ được nét phù điêu giàu chi tiết nhờ một kỹ thuật đặc biệt giúp cảnh quan trở nên sống động theo đúng nghĩa đen. Nếu để phân loại, tranh của ông đi từ chủ nghĩa Nguyên thủy đến Siêu thực, Biểu hiện, Trừu tượng, rồi đến Siêu thực, nhưng ông không để bản thân bó buộc trong những thể loại đóng khung đó.
Người nghệ sĩ cũng thừa nhận mình có “cuộc chiến” với mỗi tác phẩm, có những bức tranh không thể “vượt qua”. Một cuộc chiến khác đang diễn ra ở mặt trận của cái gọi là công việc. Ông nhớ rằng khi còn trẻ, mình đã chơi chữ và làm thơ, nhưng đối với ông, việc vẽ vẫn dễ hơn nhiều so với việc đặt tên cho những gì được tái hiện trên lớp vải toan.
Mặc dù có một gia tài tranh khổng lồ, ông không đem bức nào về nhà mà để hết ở xưởng vẽ, thậm chí ông còn ăn uống tại đây. Đến năm 2020, Marchuk thừa nhận rằng gần đây mình ít vẽ lại. Thay vào đó, ông đi bộ nhiều hơn, chơi cờ, và thích đi bơi. Ông cũng thường thử nghiệm nhiều phương pháp rèn luyện thể chất và tinh thần như tập yoga và thiền trong thời gian dài, đồng thời có chế độ ăn ngủ rõ ràng.
“Cuốn lịch tôi dùng có màu đen” ông mỉm cười. “Đó là cuốn lịch không có màu đỏ cuối tuần. Nó có nghĩa là làm việc 365 ngày một năm.” Ông còn đùa thêm: “Bạn biết đấy, thời Xô Viết tôi đã nói: ‘Nếu họ bỏ tù tôi, tôi sẽ vẽ nhiều hơn nữa vì sẽ không ai làm phiền nữa.”
Một số tác phẩm đại diện cho 13 chu kỳ:
“Tôi không vẽ tranh minh họa cho cuộc sống. Những gì tôi tạo ra là tiếng nói của tâm hồn mình. Những câu chuyện trong tranh của tôi không tồn tại trong đời thực. Chu kỳ cuối cùng của tôi “Nhìn vào vô cực”. Nó đến từ đâu, chúng hỏi tôi. Từ đâu và làm thế nào? Tôi ngẩng đầu lên, nhìn xuyên qua bầu trời, nhìn thế giới thật tuyệt vời và tươi đẹp. Tôi cắt nó thành từng mảnh và vẽ thế giới này.”
Gần đây nhất khi được hỏi về chu kỳ thứ 14, Ivan Marchuk trả lời rằng không có, nhất là khi ông còn sống ở Ukraina.
Navi Nguyễn