“Nếu Picasso là một sinh viên nghệ thuật ngày nay, chắc ông ta cũng sẽ trượt vỏ chuối. Ngày nay, việc ngồi một chỗ vẽ khoả thân là không đủ. Bạn còn phải tư duy sâu sắc. Bạn phải có một ‘ý niệm’. Thế nên bạn tôi [trong các trường nghệ thuật] đắm chìm trong ý niệm. Ngày ngày, họ lặn ngụp dọc những hành lang trường để vét tìm những ý niệm.”
Câu chuyện này nằm trong tản văn của Prabda Yoon, xuất bản bằng Tiếng Thái năm 2000. Nó hàm chứa hai nguyên tắc của nghệ thuật đương đại, xuất hiện ở Đông Nam Á trong khoảng giữa những năm 1970 tới 2000. Nghệ thuật đương đại tồn tại song song với nghệ thuật hiện đại – hai loại hình không rõ nét, chồng lấn lên nhau. Mặc dù vậy, những dẫn dắt trong câu chuyện của Prabda phần nào giúp phân tách nghệ thuật đương đại với hiện đại.
Trước nhất, như Prabda đề cập tới, nghệ thuật đương đại nhấn mạnh vị trí trung tâm của ý niệm: ý tưởng quan trọng ngang với kỹ thuật hay sáng tạo hình thái. Lẽ đương nhiên, ý tưởng vẫn luôn quan trọng, tuy nhiên, hình thức thẩm mỹ vẫn là tiêu chuẩn trọng yếu của các tác phẩm hiện đại cho tới khi nghệ thuật ý niệm xuất hiện từ khoảng giữa những năm 1970 trở đi ở Đông Nam Á. Nghệ thuật đương đại ra đời sau sự nở rộ của nghệ thuật ý niệm, đánh dấu sự dịch chuyển từ thẩm mỹ sang ý tưởng. Dù vậy, đối với nghệ thuật đương đại, nghệ sỹ không chỉ chú tâm tới mỗi ý niệm. Họ cũng đưa vào trong tác phẩm cả những mối quan tâm khác, đặc biệt là những phản hồi mang tính xúc cảm, trải nghiệm thông qua cơ thể thay vì được đọc qua lăng kính tri thức. Trạng thái này được Prabda biếm hoạ một cách nhẹ nhàng, và được nhà lý luận Peter Osborne đúc kết lại rằng nghệ thuật đương đại về bản chất mang tính “hậu-ý niệm”. “Cuốn sách dày như đại dương sâu thẳm” của Lani Maestro là một ví dụ. Nó gợi về một miền không tưởng – nơi nghệ sỹ sống cuộc sống tự đày ải, chủ động lìa xa quần đảo nơi cô sinh ra, mà lại luôn khơi dậy cảm xúc ngưỡng vọng và nhớ thương, dạt dào như hình ảnh của biển khơi.
Bên cạnh đó, điều Prabda nhắc tới còn là sự rẽ hướng trong quan niệm thực hành nghệ thuật đương đại – kỹ thuật trong xưởng không còn quá quan trọng, thay vào đó là sự kết nối với thế giới bên ngoài, hay không gian “vượt khỏi vách ngăn trường quy”. Những ý niệm vốn là trọng yếu trong nghệ thuật đương đại thường liên quan tới sự vận động của xã hội, môi trường, văn hoá, bao gồm cả những dòng chảy mà toàn cầu hóa mang lại. Vì vậy, các tác phẩm đương đại thường nhấn mạnh vào khả năng tương tác với cộng đồng hoặc chúng mời khán giả tham gia vào chính tác phẩm. Chẳng hạn, nhiều tác phẩm của Rirkrit Tiravanija xoay quanh việc nấu ăn sau đó đãi người xem ăn các món ông nấu, tạo bầu không khí phấn chấn [1].
Mặc dù nghệ thuật đương đại không hạn chế hình thức trình hiện và người nghệ sỹ có thể sáng tác với vô vàn chất liệu thì vẫn tồn tại một số loại hình tác phẩm phổ biến hơn hẳn. Sắp đặt – nơi tác giả sử dụng các hiện vật thông thường, tách chúng khỏi bối cảnh gốc rồi chuyển hoá thành một cơ thể tác phẩm mới đặt trong không gian trưng bày có bối cảnh riêng; hay trình diễn, video và nhiếp ảnh là một trong số những loại hình phổ biến trong nghệ thuật đương đại; bởi lẽ chúng không quá lệ thuộc vào kỹ thuật mà hướng tới thế giới bên ngoài xưởng nghệ sỹ. Một ví dụ là tác phẩm trình diễn nhảy trên những cục bơ (thực phẩm) của Melati Suryodarmo; hay sắp đặt của Suzann Victor, đính cà tím dọc tường một không gian trưng bày do nhóm nghệ sỹ 5th Passage Artists vận hành, nằm trong hành lang một trung tâm thương mại ở Singapore.
Song song với tinh thần “hậu-ý niệm” và “hậu-xưởng thực hành”, nghệ thuật đương đại còn nổi bật với khả năng dệt các mạng lưới kết nối đa dạng giữa nghệ sỹ và khán giả ở nhiều vùng khác nhau. Cụ thể, các biennials (liên hoan nghệ thuật lưỡng niên) hay kể cả những hội chợ nghệ thuật đều ngày một gia tăng từ khi có sự xuất hiện của nghệ thuật đương đại, xác lập vị trí như một không gian để trao đổi ý tưởng. Những trải nghiệm thân mật hơn như các không gian nghệ sỹ vận hành, lưu trú, hay liên hoan cũng đóng vai trò quan trọng; và nghệ sỹ đương đại thường hợp tác theo nhóm hoặc hoạt động dưới dạng thức collective [2].
Cuối cùng, một điểm khác biệt rõ rệt giữa nghệ thuật đương đại và hiện đại là mối tương quan đầy phức hợp và đa chiều [của tác giả, tác phẩm] với thời gian. Trong tiếng Anh, thuật ngữ “đương đại” mang hàm ý “cùng với thời đại”. Khi thông dịch, nhiều thuật ngữ bản địa trong khu vực Đông Nam Á cũng chứa đựng ngữ nghĩa tương đồng. Dựa theo cách gọi tên này, tính đương đại ghi lại những tri nhận khác nhau về lịch sử, nhấn mạnh trải nghiệm chiết trung về hiện tại. Tương phản với nó, chủ nghĩa hiện đại hay nghệ thuật hiện đại mang tinh thần vị lai, trong phổ thời gian tuyến tính. Quan niệm này thể hiện rõ nhất qua tác phẩm. Tuyến thời gian của hiện đại thẳng băng, hướng theo một chiều duy nhất. Trong khi đó, thái độ đương đại nhìn vào sự phi tuyến tính của thời gian, cùng lúc có thể đồng hiện nhiều hướng. Những cách thức khác nhau để trải nghiệm thời gian trong nghệ thuật đương đại thể hiện rõ nhất trong cách tiếp cận tác phẩm; chẳng hạn như cách bước vào “Cuốn sách dày như đại dương sâu thẳm” của Maestro hay cách người xem phải lách qua một ma trận dựng nên từ vô vàn lớp màn chống muỗi trong sắp đặt “Nôi” (Cradle) của cô. Các tác phẩm dạng này có thể được “đọc” từ bất cứ điểm xuất phát nào, theo bất cứ trình tự nào; tương tự như cách thời gian ùa về từ mọi phía.
[ 1 ] Năm 1992, Rirkrit thực hiện một tác phẩm mang tên “Vô đề (Tự do)” tại 303 Gallery ở New York. Ông biến không gian trưng bày thành một bếp ăn, mời khán giả ăn món cà ri Thái cùng cơm trắng mà ông nấu trước đó. Việc ăn uống trong không gian trưng bày dường như là một quy định tối kỵ, qua đó nghệ sỹ chất vấn quan niệm về cách người xem tương tác với tác phẩm nghệ thuật đương đại.
[ 2 ] Nhóm nghệ sỹ đồng sáng tác các tác phẩm, hoặc chung chí hướng và quan niệm thẩm mỹ.
[ 3 ] Exergie xuất phát từ Exergy là một khái niệm trong nhiệt động học chỉ công tối đa có thể được sản sinh ra để cân bằng nhiệt, nếu quá mức đó sẽ gây mất cân bằng và tạo phản ứng dị ứng nhiệt.
(*) “Bản quyền của tác phẩm thuộc về nghệ sỹ hoặc đại diện đã được uỷ quyền của họ. Không được sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có văn bản chấp thuận của Bảo tàng Nghệ thuật Singapore và/ hoặc chủ sở hữu bản quyền.”
Chuyển ngữ: Lê Thuận Uyên
Bài viết trong cuốn “Nghệ thuật Hiện đại Đông Nam Á: Dẫn nhập từ A tới Z” của Roger Nelson; National Gallery Singapore, 2019. Roger Nelson là một sử gia nghệ thuật quan tâm đến nghệ thuật hiện đại và đương đại Đông Nam Á, và hiện đang là giám tuyển tại National Gallery Singapore.