Nghệ thuật đôi khi không có mục đích đi tìm kiếm niềm vui hay nỗi đau nào, nó đơn giản là cuộc đời. Nó chỉ biểu hiện con người, cũng như số phận của tác giả. Nó là những đau đáu, kiểu như sứ mệnh, ý nghĩa tồn tại của một nghệ sĩ, được đặt ra từ tuổi thiếu thời. Cuộc sống với bao ngã rẽ nhưng mỗi nghệ sĩ vẫn kiên nhẫn mải miết trên con đường nghệ thuật với hoài bão và niềm tin của riêng mình.
Về bộ tranh mới mẻ, thú vị này, đây là một bộ tranh trừu tượng dựa trên cảm hứng về chữ braille, chữ viết cho người khiếm thị. Một ý niệm, một cách đặt vấn đề độc đáo và hấp dẫn. Hoạ sĩ cũng đưa ra một gợi ý về quan niệm của sự đọc và cái thấy, về ngôn ngữ và nội hàm cảm xúc bên trong nó. Một cách nào đó, ngôn ngữ chữ viết đã thoát ra khỏi cái giới hạn ngữ nghĩa chật hẹp của nó để bay lượn tự do trong thế giới vô hạn của cảm xúc trừu tượng.
Lê Hào là một hoạ sĩ có một quá trình dài hoạt động như một nghệ sĩ ý niệm đương đại với các thực hành phong phú từ performance art, video art, installation, tranh giá vẽ… Với triển lãm này, hoạ sĩ giới thiệu tới đồng nghiệp và công chúng một sự tìm tòi mới lạ, được nghiên cứu và thực hiện trong nhiều năm liền. Trong khi nhiều họa sĩ từ hiện đại đến nay khai thác vào những vốn liếng văn hóa dân gian, truyền thống chung, riêng thì một ít những nghệ sĩ trẻ, như Lê Hào, quan tâm tìm cảm hứng từ những nguồn, chất liệu văn hóa đương đại hơn.
Dựa trên cảm hứng chính từ chữ braille, từ nghề nghiệp làm bản đồ địa chính từ người cha quá cố, từ những hành trình, biến cố trong lịch sử gia đình, cộng đồng, tất cả được hòa trộn biến hóa trong một dạng hoài niệm mơ hồ, một dạng văn bản xưa cũ khó đoán định. Ngôn ngữ chữ viết đã được chuyển dịch sang văn bản cảm xúc trong ngôn ngữ hội hoạ. Phần chất liệu tổng hợp cũng mang đến những hiệu quả thị giác mới mẽ do việc thử nghiệm và kết hợp trên các chất liệu khác nhau như lụa, vàng, bạc, thiếc, màu nước, acrylic… Cách thức sắp xếp, tổ chức các mảng hình và chấm tròn vàng bạc tạo nên những bố cục lấp lánh sinh động mà vững chãi.
Đôi khi ta có thể thấy bộ tranh như những dạng thức ghi chép, nghiên cứu, như những bản vẽ, bản đồ tư duy nào đó đầy suy tư, chiêm nghiệm. Hoạ sĩ đã tạo dựng một bề mặt nền tranh nhiều cảm xúc với những trầy xước, bôi lấp, những tung tẩy, kẻ gạch, đánh dấu, ký hiệu…. bằng một bút pháp tự nhiên, khéo léo. Những chấm tròn được sắp xếp và biến chuyển như những đền đài, chùa tháp xưa cũ hay những thành phố đêm hiện đại.
Ta nhận thấy được bức tranh chứa đựng nhiều tầng lớp. Lớp trên cùng là những chấm bi vàng, bạc hay chấm màu lớn nhỏ khác nhau như một lớp màn phủ. Một lớp màn ý niệm che phủ lớp hình của không gian hiện thực. Tác giả như nghi hoặc rằng tư duy ngôn ngữ của con người có làm sáng tỏ những sự kiện trong đời họ hay chỉ che phủ, làm cho nó trở thành những ký ức mù mờ đầy những cảm xúc cá nhân.
Với hai lớp chính này, bên dưới bề mặt trừu tượng ý niệm dựa vào ngôn ngữ chữ viết braille là những tung tẩy của trừu tượng biểu hiện nhiều tính hành động và giàu cảm xúc. Màu sắc cũng nhẹ nhàng, tinh tế. Hai lớp tạo hình này vừa như mâu thuẫn vừa như bổ trợ, tương tác với nhau mang đến cho người xem những suy nghiệm thú vị và độc đáo. Tất cả trở thành một bề mặt trừu tượng mà cả người mù và người sáng mắt đều không thể đọc được. Việc này cũng như nghệ thuật của thi ca phần lớn có mục đích là phá bỏ cái giới hạn chật hẹp của ngữ nghĩa để vươn ra cái mênh mông của thế giới cảm xúc vậy. Đó cũng có thể là những suy tư giấu kín về vận mệnh con người và xã hội mà hoạ sĩ sống trong đó.
Lê Hào là một cá tính nghệ thuật độc đáo với những cách thức sáng tạo riêng biệt mang dấu ấn cá nhân rất rõ ràng. Hoạ sĩ rất ít tham dự hay trưng bày nghệ thuật trước công chúng, anh âm thầm, bền bỉ làm việc, theo đuổi những ý tưởng, những thử nghiệm mới, với những suy tư xuất phát từ hoài niệm, lịch sử truyền thống, văn hoá của gia đình và vùng đất anh ấy sinh sống. Những chuyển dịch, giao thoa, thay đổi qua nhiều thời kỳ cũng làm biến đổi cách sống, quan niệm sáng tác và ứng xử của hoạ sĩ.
Và như vậy, bộ tranh trừu tượng của Lê Hào xuất phát từ nền tảng nghệ thuật hàn lâm với những hài hoà màu sắc và bố cục vững chắc, cân đối đã vươn đến một tư duy thực hành đương đại hơn với những thử nghiệm chất liệu đầy sáng tạo và sử dụng những ý niệm, tư liệu, ngôn ngữ đương đại trong những sáng tác của mình.