Có thể nói “nhờ” Covid-19 mà năm 2022 trở nên đầy bận rộn với những người đam mê nghệ thuật khi 2 sự kiện Venice Biennale và documenta cùng diễn ra. Tuy điểm chung là đều mang rất nhiều màu sắc chính trị nhưng siêu triển lãm diễn ra hơn 200 ngày của Venice, “Dòng sữa của những giấc mơ” (The milk of dreams), tựa đề lấy từ truyện tranh thiếu nhi của nữ nghệ sĩ siêu thực Leonora Carrington (1917-2011), đạo diễn bởi giám tuyển Cecilia Alemani, khiến thế giới phải trầm trồ.
Như trong tác phẩm của Leonora, hình vẽ không cầu kỳ nhưng giàu liên tưởng. Từ đó, Venice Biennale lãng mạn được bao trùm bởi những mộng mị đầy tính ma quái nhưng cũng đầy lôi cuốn, và bởi 213 người nghệ sĩ trong đó chỉ 21 người là nam. 192 nữ nghệ sĩ đã chứng minh rằng tuyên ngôn về nữ quyền không phải là lời nói suông, và trái ngược với các “quảng cáo” về quyền con người bị “hồi mã thương” của documenta.
Chiến thắng của một thế vận hội triển lãm kiểu này cũng phần nào nhờ vào hậu thuẫn đến từ các phòng trưng bày hạng nặng, và các quyết định an toàn của phía tổ chức. Nguồn kinh phí dồi dào, tính quốc tế đi kèm tính kiểm duyệt cao nhưng cũng không vì thế mà tính nữ quyền bị mờ đi trong một bầu không khí mộng mị mà tươi sáng nhiều sắc độ.
Như đã nói trong bài viết về documenta 2022, kinh nghiệm xử lý vĩ mô và tầm nhìn của Cecilia, khiến việc tham quan Venice Biennale trọn vẹn ngay từ việc giới thiệu hay tờ chỉ dẫn tham quan triển lãm, trong khi ruangrupa bối rối và yếu thế. Đi sâu vào hơn, các chủ đề quan trọng được trình bày mạch lạc: quyền con người có, phụ nữ đặt lên đầu có, chiến tranh có, môi trường có, công nghệ có… Không chỉ giàu chất lượng nội dung, cách vận hành ở Venice Biennale cũng rất trơn tru, không quá khó khăn để truy cập tác phẩm hay thông tin liên quan.
Cả sự kiện chia thành 2 khu, Arsenale và Giardini. Mỗi khu đều có không gian chung của các nghệ sĩ và không gian dành quốc gia. Sự đầy đủ của Biennale kỳ này có thể dễ dàng cảm nhận được ngay từ gian trưng bày đầu tiên ở khu vực phụ Arsenale, với bức tượng đồng khổng lồ, chân dung phụ nữ Phi lừng lững như tượng thờ bởi nữ nghệ sĩ người Mỹ, Simon Leigh, điểm họa bên cạnh các bức tranh trắng đen của nghệ sĩ Cuba, Belkis Ayón. Ở pavillon của Mỹ, các sắp đặt điêu khắc phóng đại cùng các gam màu tương phản, nhiều sắc độ và đa chất liệu, tôn vinh hình ảnh phụ nữ châu Phi da màu, khá phổ biến trong chiều dài lịch sử của đất nước mà Simon Leigh đại diện, cũng đã đem về cho bà tượng sư tử vàng.
Tiếp đến, không khó để tìm và không khó để bị ấn tượng bởi tác phẩm của nữ nghệ sĩ Việt Nam mình, Phan Thảo Nguyên. Cô được đại diện bởi Chisenhale của Anh, mang đến nhà chung tác phẩm “First Rain, Brise Soleil”. Video art gần gũi trong cách kể chuyện, sến thơ mộng kiểu Việt Nam nhưng đầy tính hư cấu và phần nào đó siêu thực dưới góc nhìn của người phụ nữ mà không bi lụy, cho tôi cảm giác nhẹ tênh, cuốn hút kỳ lạ khi xem.
Tuy vẫn có sự nhúng tay của các phòng trưng bày nhưng khác với bầu không khí ở Art Basel, Venice Biennale có sự quy mô lớn hơn Unlimited, có sự từ tốn của documenta và dĩ nhiên có nét lãng mạn của thành phố này. Xem ở đây, tuy nhiều tác phẩm nhưng không bị cảm giác ngột ngạt. Cái thú vị của năm nay còn nằm ở việc làm thành 5 chương chủ đề nhỏ khác nhau, bên cạnh các tác phẩm riêng biệt rải rác tại khu vực chung.
Đi ra khỏi tác phẩm của Phan Thảo Nguyên, tôi lần lượt bước vào từng khung cảnh, bầu không khí khác nhau. Từ màu sắc của Niki de Saint Phalle, đến điêu khắc trừu tượng của Ruth Asawa, rồi đi qua những tác phẩm đầy nghi thức, thần linh của nghệ sĩ đến từ Ấn Độ và châu Phi, Venice Biennale cũng khéo léo lồng ghép sự lãng mạn để gợi nhắc những tác phẩm thời kỳ cũ như những năm 50. Seduction of Cyborg, tên gọi khu vực chương 5, miêu tả lại sự tò mò và bị hấp dẫn của con người nói chung và nghệ sĩ nói riêng, đối với các thể dị tính, nhân tạo hay phản cái đẹp, từ tinh thần avant-gardiste.
Venice Biennale cũng kêu gọi sự quan tâm và lòng can đảm nêu bật ý kiến cá nhân, thông qua tác phẩm của nữ nghệ sĩ lừng danh Barbara Kruger. Font chữ Futura Bold Oblique hay Helvetica Ultra Condensed – vốn đã trở thành nét đặc trưng của nữ nghệ sĩ – bao trùm người xem như một mê cung của những tiếng kêu gọi, tiếng khẳng định mạnh mẽ về nữ quyền ngay tại Venice.
Nói về chủ đề sự sống, tôi sững sờ trước tác phẩm hư cấu có phần kinh tởm của Mire Lee. Ấn tượng bởi bối cảnh hậu thảm kịch với các cơ quan được treo lên mà không biết có nguồn gốc từ sinh vật nào, còn sự sống của chúng được hỗ trợ bằng một máy bơm khiến tôi cảm nhận về cái đẹp kỳ dị kiểu khác của một thực thể sống. Cùng chủ đề, sắp đặt quang cảnh xanh mướt, bao phủ bởi rừng cây sắn dây kudzu, cây mía của nữ nghệ sĩ người Anh gốc phi, Precious Okoyomo, tạo cảm giác bình an và nên thơ trước khi thế giới sụp đổ.
Dị tính và “queer” cũng khá nhiều tác phẩm hay. LuYang, nghệ sĩ Đài Loan mà tôi khá thích bởi cách thực hành sử dụng digital và văn hoá đại chúng, tạo nên những bối cảnh tận thế cùng những điệu nhảy nghi thức trong thể loại game nhập vai quen thuộc. LuYang nhập vào trò chơi phi giới tính và tự khẳng định bản sắc của chính mình trong thế giới riêng. Ở pavillon của New Zealand, một cách thực hành miêu tả thế giới “queer” cũng rất thú vị khi dựng lại bối cảnh từ những bức tranh của Gaugin, cộng với đặc điểm của dân đảo Samoa, bởi nghệ sĩ Yuki Kihara.
Qua khu chính Giardini, vẫn chung một cách sắp xếp trên nhưng các pavilion của những quốc gia “mạnh” đều tập trung ở đây. Khu chung vẫn rất ấn tượng, tập trung và chủ yếu đan xen giữa tranh và điêu khắc, nhưng kém ấn tượng so với các khu pavillion.
Malta, Nhật và Hàn là 3 khu vực sử dụng công nghệ để truyền tải ý đồ của mình. Malta miêu tả lại bầu không khí của cảnh kết liễu Thánh John một cách trừu tượng tối giản, nhưng đau đớn, với các giọt thép nung chảy điều khiển bằng lập trình rớt xuống mặt hồ nước tựa như máu. Ý tưởng được thực hiện bởi các giám tuyển Keith Sciberras (Malta) và Jeffrey Uslip (Mỹ); nghệ sĩ Arcangelo Sassolino (Ý) và nghệ sĩ Giuseppe Schembri Bonaci (Ý).
Nhật và Hàn cùng đưa người xem tới các bối cảnh vị lai hơn. Dumb Type đại diện Nhật, thực hiện sắp đặt chạy các con chữ với các câu hỏi đơn thuần khiến chúng ta phải đuổi theo, đồng thời sắp đặt này cũng có gì đó làm tôi nhớ đến On Kawara. Hàn Quốc với nghệ sĩ Yunchul Kim, mang đến sắp đặt thực thể bằng máy, tinh vi, đầy sự sống và mê hoặc, có gì đó mang phong cách Dune
Pháp, Thuỵ Sĩ cùng Ý thì hướng đến tính điện ảnh và hoài niệm hơn. Nữ nghệ sĩ Zineb Sedira tái hiện lại khung cảnh giao thoa văn hoá giữa Pháp và châu Phi một cách thơ mộng. Latifa Echakhch mang đến bầu không gian khảo cổ đậm chất viễn tưởng, như một cuộc khai quật trong gam màu đỏ của cờ Thuỵ Sĩ. Gian Maria Tosatti đưa người xem về một nước Ý của thế chiến, bằng khung cảnh nhà xưởng cùng bầu không khí lạnh sống lưng, liên tưởng tới ngày tận thế của các bộ phim.
Dù vậy, không phải quốc gia nào cũng mỹ mãn về mặt hình thức và thành công về mặt nội dung. Đan Mạch và Trung Quốc là 2 quốc gia tôi cảm thấy có vấn đề. Trung Quốc thì không có gì phải bàn vì tác phẩm của họ lấn cấn và mờ nhạt vì kiểm duyệt. Đan Mạch tuy mang đến 1 tác phẩm rất “sốc hàng” và thuộc loại đẹp rùng rợn đến siêu cực thực của nghệ sĩ Uffe Isolotto. Nhưng ngoài yếu tố gợi hình dễ xem kiểu phim Hollywood, thì cảm giác họ cố quá và quang cảnh như miêu tả thực trạng tự kỷ của người dân Đan Mạch, buồn chán sau mỗi dịp lễ Giáng Sinh.
Còn vô số các tác phẩm và pavillon đẹp khác nhưng ở đây, tôi chỉ trình bày những gì ấn tượng với bản thân. Giám tuyển Cecilia làm tốt nhiệm vụ được giao, mang lại hình ảnh tươi sáng trong một năm cột mốc, với bộ sậu chỉ toàn “nữ giới” và “nữ quyền”. Đây cũng chính là sự kiện nghệ thuật thỏa mãn mọi giác quan nhất từ trước đến nay, vì sự dày dặn, đầy đủ từ khâu tổ chức đến khâu hoàn thiện của các tác phẩm đều ở cấp độ rất cao, rất ít lấn cấn. Venice Biennale là trải nghiệm chỉ có thể đến và xem trực tiếp.
Đặc biệt nhất của Venice Biennale 2022 chính là có nhiều tác phẩm trần trụi đến mức nếu chỉ dùng mắt để “nhìn cái đẹp” thôi thì sẽ không bao giờ đủ.
Và dĩ nhiên, tôi tin rằng phần đông khán giả của Việt Nam chưa sẵn sàng để xem Venice Biennale.
Bài: Tam Tam