Gặp gỡ họa sĩ Nguyễn Công Hoài vào một buổi sáng của triển lãm thứ 7 mang tên “Gửi gió theo mây ngàn”, người họa sĩ chia sẻ: “Anh chuẩn bị buổi triển lãm này trong 3 ngày thôi, không phải vì một dịp gì cụ thể, chỉ là trong lúc buồn, dọn nhà thì nhìn thấy một số bản thảo ý tưởng cũ từ 2-3 năm trước, sau đó, gọi điện thoại cho gallery và mang tranh lên treo lên ngay”.
Có lẽ, đây cũng là câu trả lời cho triển lãm không tìm được mạch truyện cụ thể hay tiếng nói chung lần này, theo nhận định của tôi. Vì là mây, mây ở muôn hình dạng và không bị giam cầm bởi bất kỳ giới hạn nào.
Tôi thấy hoang mang nhưng quen thuộc. Vẫn là những nỗi đau của kiếp người, sự dày vò, tăm tối của hình nhân vô dạng và những bức chân dung với biểu cảm giày xéo. Đâu đó le lói chút ánh sáng của hy vọng, nhưng vẫn không thể thoát khỏi sự vô định của không gian. Giống như chúng tôi chia sẻ với nhau, về sự rất-bình-thường của cảm xúc khổ đau, rằng trạng thái này sẽ lặp đi lặp lại suốt vòng đời. Thế nhưng, kiếp người không chỉ dừng lại ở sự cùng quẫn, và chủ đề của người họa sĩ cũng không thể lưu lại nơi đây mãi.
Anh Hoài chỉ tôi, tranh này anh vẽ người mẹ tần tảo, vợ anh và con anh mới lúc mới đẻ, bố và người “điên” hay qua xưởng anh chơi, anh mời làm mẫu. Anh bảo, anh vẽ họ như vẽ chính mình, cảm xúc của con người dù phong phú, đa dạng đến mấy cũng sẽ tìm được điểm chung. Như những vệt màu “nhễ nhại” hòa vào và đắp chồng lên nhau, thay lời cho những cảm xúc điêu tàn bện lại đặc quánh. Nhưng con người không chỉ vẽ lên bởi màu đau khổ, cũng như tác phẩm không thể hoàn thiện bởi cái nhìn và cái cảm của họa sĩ, mà là sự cộng hưởng, cùng chủ thể và người xem tranh.
Tôi hỏi anh, anh nghĩ cái nhìn của khán giả có quan trọng không? Người họa sĩ bật cười đáp, nếu lời nhận xét ấy quan trọng thì tôi rất quan tâm. Nhưng cái “nhìn” của mỗi người mỗi khác, công việc của người họa sĩ là “biểu diễn” nó, vì chúng ta không đau khổ giống nhau. Như nhà văn Haruki Murakami trích dẫn câu văn nổi tiếng của Tolstoy (tiểu thuyết Anna Karenina) trong cuốn 1Q84: “All happiness is alike, but each pain is painful in its own way” (tạm dịch: Hạnh phúc có thể giống nhau, nhưng nỗi đau đều đau theo cách riêng của nó).
Tôi không hỏi người họa sĩ nữa mà tự hỏi chính mình, rằng vẫn giữ những nét vẽ và chủ đề cô quạnh này, rồi anh sẽ chán nỗi đau chứ? Và tôi tự trả lời, dù có chuyển mình hay không, mỗi khi nghĩ về chủ đề khổ đau hay sự giam cầm trong hình hài kiệt quệ của loài người, không chỉ tôi mà còn rất nhiều người khán giả khác nghĩ đến tranh của Nguyễn Công Hoài.
Nỗi đau là chủ đề vô đáy, và chúc anh sẽ đưa người “đến” tận cùng của nỗi đau. Để người xem tìm được nơi đồng cảm cũng là một loại hạnh phúc. Lột tả được nỗi cô đơn, sự đày đọa của thân xác qua tranh ảnh, cũng là một thành công của người nghệ sĩ.
“Gửi gió theo mây ngàn” diễn ra từ 03/06 đến 15/06 tại không gian May Artspace, 36/70 Nguyễn Gia Trí, phường 25, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
Bài: Hà Chu