Lấy bối cảnh Sài Gòn những năm 50, một trong những giai đoạn đầy biến động của lịch sử hiện đại Việt Nam, Trần Anh Hùng đã tạo dựng một thế giới dung dị, hoài cổ nhưng ngập tràn màu sắc qua đôi mắt non nớt của cô bé Mùi. Mùi đu đủ xanh tựa như một bức tranh về Việt Nam với cấu trúc đa tầng mà ở mỗi vị trí sẽ biểu đạt một ý nghĩa với những xúc cảm riêng biệt. Như vị trí trung tâm bức tranh là Mùi, được khắc họa bằng những gam màu sáng trong để thể hiện vẻ đẹp thuần khiết trong tâm hồn từ thuở bé đến lúc trưởng thành. Hay phần nền được bao phủ bởi không gian cổ kính màu vàng ấm của một gia đình trung lưu, thuê Mùi làm giúp việc.
Trên cái nền của một câu chuyện vốn nhiều biến động, đạo diễn cố giữ cho góc kính của mình không trượt khỏi đường ray không gian mà anh tạo dựng. Một không gian đậm chất cổ điển, sống động và ngập tràn sắc màu của thời gian.
Bộ phim mở đầu bằng góc quay rộng, khai thác khung cảnh nhộn nhịp của con ngõ nhỏ bên ngoài ngôi nhà. Được bao phủ bởi tông vàng trầm ấm, từ hàng quà bánh, quán kem xưa cho đến tiệm sửa xe xếp đầy săm lốp đều thể hiện đời sống lao động giản dị, đời thường nhưng vẫn đậm chất thơ của người Việt những năm 50.
Di chuyển góc máy chậm rãi qua những song cửa sổ, chạy dọc khoảng sân dài, băng qua vòm lá xanh mướt mát, ta lại nhìn thấy ngôi nhà cổ tuy bình dị nhưng không kém phần tinh tế của người dân phố thị Sài Gòn những năm 50. Gian nhà hình chữ U với ba dãy nhà chính, có sàn lát gạch hoa màu nâu cánh gián, có ban công gỗ đỏ đổ nắng vàng ươm, có những lu sành, chậu sứ bài trí tinh tế, có cả gác-măng-giê đơn sơ nhưng gần gũi. Tất cả như đưa khán giả bước vào không gian đầy trầm lắng và hoài niệm của một Việt Nam xưa.
Nếu đầu phim được dựng trong ngôi nhà Việt truyền thống thì đến nửa sau bộ phim lại mở ra một không gian vừa cổ điển (theo chuẩn mực của văn minh Tây phương) lại vừa hiện đại (theo quan niệm xã hội Việt Nam trước Đổi mới). Đây chính là sự pha trộn giữa cái cũ và cái mới, giữa Đông và Tây, mà người ta thường gọi là “hương vị” của Indochine Style (phong cách Đông Dương).
Trong bối cảnh thời Pháp thuộc, việc văn hóa Tây phương dần du nhập và ảnh hưởng sâu đến văn hóa Việt Nam được đạo diễn lồng ghép một cách tinh tế. Trần Anh Hùng đã ý nhị sắp đặt một tấm bình phong đậm chất Á Đông trong một ngôi nhà được tạo tác bằng hình khối Pháp, kết hợp các vật liệu bình dị như gỗ, tre, nứa, gạch bông với bê tông, cốt thép của Tây phương vừa đem đến cảm quan mới về sự giao cảm giữa cổ điển và hiện đại, vừa mang đến những khuôn hình mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam thế kỷ XX.
Bên cạnh không gian mang đậm bản sắc dân tộc thì phong tục, tập quán cũng là một trong những thành tố làm nên diễn ngôn văn hóa của Mùi đu đủ xanh. Theo đó, ta nhận thấy sự trình hiện khá sắc nét của chủ nghĩa gia trưởng và ý thức về thứ bậc, tôn ti ở Việt Nam, một xã hội vốn chịu ảnh hưởng lớn bởi các giá trị Nho giáo. Từ chỗ ngồi theo vai vế trong bữa cơm gia đình, lời trách móc của mẹ chồng với con dâu: “Đó là lỗi tại cô, nếu mà cô biết chiều chuộng nó, thì nó đã không đi” cho đến vòng lặp thời gian, dù 10 năm trước hay 10 năm sau, nếu không phải ông chủ (cha của Trung) thì cũng là Trung thảnh thơi đàn hát, chơi bời. Nếu trước đây, bà chủ lo toan quán xuyến mọi việc thì giờ đây là vợ Trung. Tất cả các chi tiết này đều khắc họa một cách chi tiết vị trí của người con trai trưởng trong gia đình và mô hình của những gia đình truyền thống.
Đặc biệt, bản sắc văn hóa dân tộc còn được đạo diễn Trần Anh Hùng chú ý và tạo dựng thông qua tập quán ứng xử với tổ tiên và những người đã khuất. Chúng thể hiện qua tiếng gõ mõ của nhân vật bà nội trong suốt phần đầu phim, bản nhạc nền đầy sắc màu tôn giáo và cả phân cảnh Mùi lau dọn bàn thờ, đạo diễn cố tình chọn góc máy thấp, từ từ hướng lên phía bàn thờ để thể hiện sự tôn nghiêm và trang trọng trong truyền thống thờ cúng của người Việt xưa.
Không chỉ truyền tải những giá trị cốt lõi của người Việt, sự du nhập của văn hóa và hệ ý thức phương Tây thuở bấy giờ cũng được đạo diễn miêu tả rõ nét. Trong phân cảnh vị hôn thê mân mê xoa đầu Khuyến, cô luôn miệng bảo, “mẹ cô dạy rằng, phụ nữ không được xoa đầu chồng” nhưng cô vẫn làm thế để thể hiện tình yêu. Hay khi phát hiện mình bị phản bội, cô chẳng kìm nén và chấp nhận như bà chủ của Mùi, cô hét toáng lên và đập vỡ mọi thứ, thậm chí cả bình hoa mà cô từng nâng niu, trao tặng Khuyến để thể hiện sự kháng cự của mình.
Căn tính nữ của những cô gái Việt Nam cũng là yếu tố văn hóa quan trọng được nhiều nhà làm phim khai thác. Với Mùi đu đủ xanh, Trần Anh Hùng khắc họa thiên tính ấy bằng vẻ đẹp trong sáng của Mùi, một cô gái có đôi mắt trong veo, luôn quan sát mọi vật bằng cái nhìn tò mò mà tràn đầy thương mến. Cứ như mới tồn tại trên đời, Mùi thu vào mắt mọi dịch chuyển và mùi vị của cuộc đời, cô âu yếm nhìn đàn kiến tha mồi, lặng ngắm chú ếch nhảy lên lá sen trong hồ, say sưa quan sát giọt đu đủ trắng chậm rãi rớt xuống vòm lá. Những chi tiết ấy đã thể hiện Mùi là cô gái đầy non nớt, ngây thơ như câu thoại cuối phim:
“Những cây anh đào chìm trong bóng râm. Tỏa ra, thu lại, uốn lượn, cong queo theo nhịp nước. Nhưng điều lý thú nhất là dù đổi thay thế nào, cây vẫn nguyên vẹn là cây anh đào”
Thiên tính ấy còn được thể hiện bằng việc Mùi từng bước “chiếm lấy” thế giới của nhạc sĩ Khuyến, một chàng trai được giáo dục và ảnh hưởng sâu sắc lối sống Tây phương. Cô chăm chút cho Khuyến một cách lặng lẽ, dịu dàng ghi dấu bằng những món ăn, góc vườn và những món đồ nhỏ trong nhà.
Đạo diễn cũng từng khẳng định, “Hình tượng quả đu đủ xanh nói lên, theo lối ẩn dụ, chủ đề chính là thân phận của người đàn bà Việt Nam, một quan hệ truyền thống giữa đàn bà và đàn ông, quan hệ phục dịch. Một sự phục dịch chấp nhận bằng một sức mạnh tâm linh phi thường mà người ta có thể bắt gặp ở các bà mẹ Việt Nam. Một chế độ không thể chấp nhận, nếu xét một cách duy vật […] Khi gặp gỡ tình thương, những cử chỉ phục dịch, hầu hạ thay đổi ý nghĩa, nội dung, trở thành những cử chỉ hy sinh, hiến dâng. Tình yêu giải thoát người đàn bà ra khỏi thân phận phục dịch, đồng thời giam giữ họ vào quan hệ phục dịch người đàn ông hơn bao giờ hết”. Song, ông cũng khẳng định, ông không làm phim để phản ánh, hay tố cáo thân phận phục dịch của đàn bà vì làm thế chẳng khác nào “phủ nhận mẹ tôi”.
Điều đặc sắc là chính sự phục dịch ấy đã chuyển hóa thành những cử chỉ hy sinh, tính nhẫn nại, sự quyến rũ âm thầm để Mùi “chiến thắng” vị hôn thê tân thời của Khuyến. Ta cũng có thể lý giải bằng “lối quyến rũ phương Đông, căn cứ trên sự thấm nhuần và những quan hệ nam nữ lẩn tránh nhau để trở thành cần thiết cho nhau”, cô Mùi tuy yêu Khuyến nhưng thường né tránh và ngại ngùng, cô cũng chẳng thể hiện bất kỳ cử chỉ thân mật nào mà chỉ đơn thuần là phục dịch anh. Mặc dù vị hôn thê đậm chất “Tây học” ấy mới là người kề cạnh Khuyến từ trước, quấn lấy anh, nâng niu anh nhưng anh lại chọn Mùi, lý do có thể đến từ mối liên kết văn hóa nguồn cội mạnh mẽ, có thể đến từ sự sợ hãi việc thay đổi trong mối quan hệ cổ truyền từ ngàn đời nay giữa phụ nữ và đàn ông, hoặc cũng có thể Khuyến yêu thiên tính nữ Việt trong Mùi?
Đoạn kết trong Mùi đu đủ xanh là phân cảnh Mùi ngồi đọc chính tả dưới sự hướng dẫn của Khuyến thể hiện sự tiếp nhận hiển nhiên văn minh phương Tây của một cô gái Việt truyền thống. Bộ phim khép lại bằng việc Mùi mang thai với vẻ đẹp chín muồi, tươi tắn và rạng rỡ như một dụng ý của đạo diễn – “phụ nữ Việt vẫn là cội nguồn của sự sống, là nơi che chở cho thế giới và con người mà họ tạo ra, chứ không phải ngược lại”.
Tựu trung, bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung và căn tính nữ Việt nói riêng trong điện ảnh thường hiện diện bằng tính nước đôi – khắc họa chân dung một cô gái vừa dịu dàng, khiêm nhường lại vừa tự chủ, mạnh mẽ, kiệm lời song lại không đánh mất tiếng nói riêng của mình. Như Mùi ấy, chẳng nói với Khuyến được mấy câu mà vẫn thể hiện được quan điểm, tư tưởng riêng của mình về cuộc sống, về con người. Hay có khi, lời lẽ của phụ nữ Việt xưa là lời lẽ mang “quyền lực mềm”, nhất là với những người đàn ông của mình: tác động và chi phối tâm hồn, cuộc đời họ.
Ba thành tố làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam trong Mùi đu đủ xanh không phải được xây dựng một cách vô ý mà có cấu trúc nhất định trong quá trình sáng tạo của đạo diễn. Chúng được thể hiện như những thực thể với những giá trị chân thực và nhất quán nhất, dù cùng thể hiện và truyền tải giá trị văn hoá song lại rất khác biệt.
Bài: Phương Uyên