Code Cologne 2025: Khi mã hóa trở thành ngôn ngữ cảm xúc

Mỗi thời đại đều tạo ra hệ mã riêng để đọc và viết về thế giới. Đối với nhóm nghệ sỹ khởi xướng dự án “Code Cologne 2025”, triển lãm lần này không đơn thuần là cuộc trưng bày thị giác, mà là một không gian mở để thử nghiệm, lắng nghe và đối thoại với những “mật mã” đang vận hành âm thầm bên dưới thế giới mà ta tưởng như đã quen thuộc. Từ những chuỗi ADN sinh học đến các thuật toán, từ hệ thống cấu trúc hình ảnh thiên nhiên đến văn hóa, tôn giáo và khoa học. “Mật mã” là cách thế giới tự hình thành và tự diễn dịch chính nó. Và nghệ thuật – một trong những ngôn ngữ mã hóa – là một dạng mã hóa của cảm xúc.

Zebra League 

Triển lãm lần này đánh dấu chương mở đầu của Zebra League – nhóm nghệ sỹ đa quốc gia đồng sáng lập và cùng làm giám tuyển: Ralf Kosmo (Đức), Takashi Sonoda (Nhật Bản) và Văn Sơn Lê (Việt Nam). Trong hành trình mở rộng biên độ nghệ thuật, các nghệ sỹ tìm kiếm sự kết nối với các nhà khoa học, nhà tư tưởng, và những người hoạt động xã hội… Những cuộc đối thoại liên ngành nhằm mở ra những cách nhìn mới về nghệ thuật và hướng đến một mạng lưới nghệ sỹ linh hoạt, nơi nghệ thuật được hiểu như một dòng chảy không biên giới. Tên gọi “Zebra” không chỉ là biểu tượng thị giác, mà còn là tuyên ngôn về sự giao thoa bền bỉ, và tinh thần không ngừng bước qua những giới hạn.

12 nghệ sỹ với các góc nhìn mở về khái niệm “Code”

Trong thế giới của Xinjie Zhang, thực tại không còn nguyên vẹn. Hình ảnh bị cắt vụn, biến dạng và tái cấu trúc như thể ký ức đang trôi dạt trong một không gian vô định. Từ Fragmente đến Pluto, Sao Hỏa, hay Gió và Mây, Zhang tháo rời thế giới tự nhiên rồi ghép nối lại theo một thứ Logic của trực giác nơi thời gian và không gian mất đi tính tuyến tính vốn có. Anh không chỉ thách thức cảm nhận thị giác, mà còn khơi lên những câu hỏi: Ký ức có thật không? Thời gian có hình dạng gì và liệu chúng ta có đang sống trong một thực tại nguyên bản hay chỉ trong những bản sao liên tục được tái lập trong kỷ nguyên số?

Xinjie Zhang, “Mảnh vỡ”, acrylic trên toan, 120 × 180 cm.

Nếu phải chọn một nghệ sỹ thể hiện rõ nhất tinh thần nghệ thuật ý niệm trong triển lãm này, đó chính là Shuji Inoue. Tác phẩm “Nước tràn ra vì có thể tôi sẽ bước vào trong đó” xuất phát từ thảm họa sóng thần ở quê hương anh. Đây là một cấu trúc ý niệm với 65 lít nước được lấy từ dòng sông Cologne tương đương trọng lượng cơ thể người nghệ sỹ. Trong lúc một nghệ sỹ tại Cologne thực hiện hành động lấy lượng nước này lên khỏi dòng sông, vào thời gian đó Inoue đang ngâm mình trong biển Nhật Bản ở bên kia bờ đại dương. Hành động này tạo nên biểu tượng kết nối vật chất giữa hai thềm lục địa, đồng thời đặt câu hỏi căn bản về sự tồn tại và mối liên hệ mong manh giữa con người với thiên nhiên. Khi ta chạm vào nước, nước cũng chạm lại ta. Đó là cuộc đối thoại giữa ý niệm và vật chất. Không gian không chỉ là nơi đặt tác phẩm mà chính là mã hóa tuyệt đối vùng lặng, nơi tư duy bùng cháy và thăng hoa..

Shuji Inoue, “Nước tràn ra vì có thể tôi sẽ bước vào trong đó”, nghệ thuật sắp đặt.

De L’autre Côté là hành trình qua một cảnh quan mơ hồ, nơi mọi yếu tố đan xen từ không gian, cây, cối xay gió đến hình ảnh và âm thanh tan vào nhau, tạo nên nhịp điệu của cảm nhận. Claudia không tạo ra một không gian thị giác hay sự tác động của thính giác để diễn giải thế giới, mà để khơi dậy một thực tại khác đang tiềm tàng bên dưới bề mặt đời sống. Các mã ở đây không nằm trong văn bản, mà trong nhịp thở của gió, sự chuyển động của lá cây, khoảng lặng của hình ảnh, nơi người xem có thể tự mã hóa lại trải nghiệm của chính mình.

Claudia Robles-Angel, “Từ phía bên kia DE L’AUTRE CÔTÉ”, video art 1 kênh và âm thanh.

Với các hình thể và thiên nhiên hòa quyện qua những mảng cắt đầy chất thơ. Formenreihe, Sambale dẫn dắt người xem trở lại một trải nghiệm nguyên sơ nơi giao hòa giữa chất liệu gỗ và biểu hiện hình học. Dưới bàn tay cẩn trọng và giàu tính phân tích của nghệ sỹ, thân gỗ đoan được “giải mã” thành chuỗi hình thể như các biểu tượng tự nhiên. Những hình tròn, đường cong, sự đối xứng và biến dạng như thể thời gian đang trôi trong không gian vật chất. Sambale khiến chúng ta đặt câu hỏi: liệu mã hóa của tự nhiên có thể được viết lại bằng điêu khắc không?

Götz Sambale, “Chuỗi hình thể”, gỗ đoan, bột màu, dầu, gồm 5 phần, mỗi phần khoảng 55 × 36 cm.

Chim xám và khát vọng màu xanh

Tác phẩm nghệ thuật của Sonoda là sự kết hợp giữa phong cảnh màu sắc, cây và các chú chim xám lơ lửng. Khi tiến lại gần, tổng thể tác phẩm là một thể loại Hội Họa sắp đặt mà ở đó trọng tâm biến mất, một ẩn dụ về khát vọng chưa thành hình. Cách vẽ tranh của Sonoda không mới lạ, nhưng cách trình bày hiện đại tạo nên sự gần gũi bất ngờ. Nghệ sỹ không cố tạo ra những kỹ thuật phức tạp hay khó hiểu, mà chọn ngôn ngữ thị giác dễ tiếp cận, khiến người xem cảm thấy thoải mái như đang dạo bước trong một khu vườn quen thuộc. Màu xanh ở đây không chỉ là màu sắc đơn thuần, mà là “mật mã” của khát khao sự sống, là đường dẫn từ bóng tối lên ánh sáng để tới bầu trời tự do. Với Sonoda, màu sắc và thế giới tự nhiên không phải để phân loại, mà để gợi nhắc về một vẽ đẹp gần gũi nơi nghệ thuật trở thành cuộc trò chuyện thân mật giữa tác phẩm và đời thường.

Takashi Sonoda, “Chim xám”, tranh sắp đặt nhiều kích thước.

Tác phẩm “Trạng thái trung gian” của Kosmo hiện thân như khối thiên thạch bất động được treo lên với trọng lượng và sức mạnh của vũ trụ. Nhưng đồng thời tỏa ra sự mỏng manh của cảm xúc nguyên sơ chưa được gọi tên. Tại triển lãm, nghệ sỹ đã có một màng trình diễn ấn tượng, mời gọi người xem tương tác nằm xuống, ngước nhìn từ vị trí thấp nhất của tác phẩm. Nơi cao nhất và thấp nhất gần như tan biến, chỉ có con người hòa nhập vào nhịp thở của vật chất và thời gian. Tác phẩm này không mã hóa bằng hình thức mà bằng trải nghiệm, “mật mã” thực sự nằm trong cách chúng ta đặt thân thể vào không gian và bị nó chinh phục.

Ralf Kosmo, “Trạng thái trung gian”, nghệ thuật trình diễn và sắp đặt, 220 × 160 × 250 cm.

Kokaia đặt ra một chuỗi “mật mã” thị giác bằng ba tam giác tượng trưng cho các giai đoạn suy tàn của xã hội. Từ sự dư thừa đến tan rã, tác phẩm là một mã thời gian, mã đạo đức được viết bằng hình học và màu sắc. Ở mỗi hình, người xem như được mời gọi đọc lại chính cảm nhận của mình về sự suy tàn không phải như kết thúc, mà như một vòng tròn dẫn về khởi nguyên mới.

Paata Kokaia, “Bộ ba của sự suy tàn”, Acrylic trên toan, 180 × 240 cm.

Trong tác phẩm sơn mài có kích thước lớn, Van Son Le tìm cách kéo căng mở rộng bề mặt 2D ra đến giới hạn nhất định, nơi không gian, vật chất và hình học tự do giao hòa. Từ hệ thống lý thuyết hình học fractal đến các lớp màu đắp nổi, anh không cố kể câu chuyện mà chỉ muốn mở ra một nhịp Sóng, một mã hình ảnh được tinh luyện qua ngôn ngữ trừu tượng biểu hiện và hướng đến sự đơn sắc tối giản. Nghệ sỹ dần loại bỏ những yếu tố dư thừa, như một phương thức thanh tẩy thị giác. Anh cắt nghĩa: “Thời gian cũng có thể được biểu hiện thông qua ngôn ngữ hình học thuần khiết. Trong nhịp Sóng ấy, khi màu sắc được đơn giản về bản chất, ta có thể lắng nghe được tiếng vọng của ký ức, những điều chưa thành hình trong sự tuần hoàn của dòng chảy thời gian”

Van Son Le, “Sóng thời gian Miên viễn”, sơn ta, 200 × 460 cm.

Bên cạnh đó “CODE COLOGNE” còn là mảnh đất cộng hưởng của nhiều ngôn ngữ nghệ thuật khác như:

Tranh của Ben Post giống như những bản jazz thị giác tự do, trực giác và đầy biến hóa. Anh để chất liệu và màu sắc dẫn dắt, không khởi đầu từ ý tưởng mà từ cảm giác. Cách tiếp cận này mang lại sức hấp dẫn ban đầu nhẹ nhõm, không bị ràng buộc, mời gọi người xem buông bỏ kỳ vọng về hình thức. Tuy nhiên, sự phó mặc hoàn toàn cho ngẫu hứng cũng khiến tranh của Post đôi khi thiếu lực kéo về tư tưởng. Có cảm giác rằng một số tác phẩm dừng lại ở mức biểu hiện cảm xúc bề mặt, dễ tiếp nhận nhưng khó để lưu lại. Trong bối cảnh triển lãm xoay quanh “mật mã”, các tác phẩm của anh có thể tạo nên khoảng nghỉ thị giác, nhưng lại không mở ra một mã tầng sâu nào để suy tưởng lâu hơn. 

Trái: Ben Post, “Làn gió mát”, sơn dầu và acrylic trên toan, 170 × 120 cm.

Phải: Ben Post, “Vũ điệu giản đơn”, Sơn dầu và acrylic trên toan, 170 × 120 cm.

“Whisper Structure” là một sắp đặt nhỏ, mang phong cách trừu tượng của Gaoyi Yin, nó như một ký ức chưa kịp định hình. Yin không xây dựng một công trình công phu, mà tái hiện sự mường tượng, nơi ký ức chập chờn rơi rụng và biến dạng. Tác phẩm không yêu cầu lý giải, mà chỉ thì thầm một điều gì đó đang mờ dần, nhưng vẫn còn lưu lại dấu vết cuối cùng trong thế giới mong manh của anh.

Gaoyi Yin, “cấu trúc thì thầm”, chất liệu tổng hợp, 25 × 55 × 20 cm.

VớiEssays in Idleness”, Hanako biến những dải giấy dán tường thành kho lưu trữ của cảm xúc và ký ức. Những đồ vật nhỏ, hoa văn mảnh mai và cảnh sắp đặt tưởng như vụn vặt ấy lại tạo ra một không gian rất thật thân mật như căn phòng riêng và cũng lặng lẽ như một giấc mơ. Cô không tìm kiếm cái mới, mà đào sâu vào những điều từng bị bỏ qua từ sự thân thuộc, trò chơi thời thơ ấu, những khoảnh khắc bị lãng quên như thể nghệ thuật là cách lưu lại một cái chớp mắt đã vụt qua.

Hanako Miyamoto, “Tiểu luận về sự nhàn rỗi”, sắp đặt, tổng kích thước khoảng 4 × 4 m.

Từ ánh lửa cháy le lói trong mắt

Video của Mutsumi chỉ có một hình ảnh, ánh lửa phản chiếu trong con mắt người. Nhưng chỉ vậy thôi cũng đủ để gợi mở cả một tầng ký ức về Hiroshima, chiến tranh và sự sống. Tác phẩm là một Video Art tối giản, nhưng lại làm dội lên trong người xem vô số cảm xúc đối lập. Một ánh lửa nhỏ bé nhưng không thể dập tắt cái nhìn của Mutsumi là một “mật mã”Code không lời, mã hóa nỗi đau, sự tái sinh và sự cần thiết của việc nhìn lại chính mình.

Mutsumi Tomosada, “Ánh nhìn của ngọn lửa”, video art, 3 phút 20 giây và lặp lại.

Triển lãm “Code Cologne 2025” không nhằm đưa ra lời giải. Trái lại, các nghệ sỹ mong muốn người xem tự viết lại mật mã cho chính trải nghiệm của mình. Như một dạng mã nguồn mở, nơi mỗi người là lập trình viên cho cảm xúc cá nhân, nơi nghệ thuật không còn là câu trả lời, mà là một không gian để tự đặt ra câu hỏi.

Thực hiện: Van Son Le