Xin chúc mừng nhóm Studio42 đã tổ chức thành công triển lãm nhóm “Nhịp bơi sải” tại VCCA. Mọi người có thể chia sẻ về ý nghĩa tên triển lãm “Nhịp bơi sải”, quá trình sáng tác và chuẩn bị cho triển lãm?
Studio42: Tên triển lãm “Nhịp bơi sải” được chúng tôi thống nhất trong một chuyến đi Sài Gòn. Ban đầu, đây là một cái tên từng không được chọn cho triển lãm trước đó (triển lãm “42:3: GÓI-MỞ”), nhưng nay được tái sử dụng để làm chủ đề chính. Lý do là vì “Nhịp bơi sải” đã thể hiện được sự đóng góp và nỗ lực của nhiều người trong nhóm, phù hợp hơn so với những lựa chọn khác như “gói-mở” mà chúng tôi từng cân nhắc.
Tên gọi này không mô tả trực tiếp nội dung mà thể hiện tinh thần của các nghệ sỹ trẻ – khát khao vươn mình, vượt ra ngoài khả năng hiện tại để đạt đến một trạng thái mới trong nghệ thuật. Nó gợi lên hình ảnh mọi người cùng bơi, cùng nỗ lực cá nhân để tự định hướng, tập trung vào sáng tác độc lập. Điều này thực sự đúng với tinh thần của nhóm họa sỹ tham gia, những người trẻ đang tìm kiếm chỗ đứng cho mình trong bối cảnh nghệ thuật ở Việt Nam.
Quá trình sáng tác cho triển lãm bắt đầu từ tháng 6 năm ngoái khi ý tưởng định hình. Chúng tôi không quyết định trước nội dung cụ thể mà mời các nghệ sỹ theo tinh thần của Studio42, ưu tiên những bạn đã cùng triển lãm năm trước và các họa sỹ tiềm năng khác. Chủ đề chung là “Sống – Tồn tại”, mỗi người được tự do hiểu theo cách riêng và thực hành trong một khoảng thời gian khá dài. Đến cuối tháng 1 năm 2025, các tác phẩm mới bắt đầu hoàn thiện để chúng tôi cùng nhau xem xét. Trong quá trình chuẩn bị, chúng tôi đã có những buổi gặp mặt khởi động và đặc biệt là đi thăm xưởng của từng nghệ sỹ để tạo sự kết nối sâu sắc. Trải nghiệm đi thăm xưởng này vô cùng hữu ích, bởi nhiều khi nghệ sỹ sáng tác theo cảm hứng, tự phát mà chưa được tư duy một cách mạch lạc hay hệ thống.
Khi được trò chuyện, nhận phản hồi và tương tác, họa sỹ sẽ hiểu rõ mình hơn, có thêm góc nhìn từ người khác. Quá trình thăm xưởng 12 họa sỹ kéo dài hai tháng , với sự hỗ trợ hình ảnh từ 84SPACE.
Studio42 đã sang năm hoạt động thứ 5, trong thời gian đó nhóm đã tổ chức 4 triển lãm/ mở xưởng cũng như các hoạt động thường xuyên là các buổi vẽ trực họa. Mọi người có thể chia sẻ về lý do Studio42 được thành lập? Cách vận hành của Studio42 đã có những thay đổi nào từ đó tới nay?
Studio42: Studio42 được thành lập bởi một nhóm sinh viên đã quen biết từ khi còn học cùng trường, sau đó đã ra trường và bắt đầu đi làm để ổn định kinh tế. Chúng tôi chưa có dự định cụ thể nào ban đầu, nhưng muốn tạo ra một không gian sinh hoạt giống ở trường để nhắc nhở bản thân tiếp tục theo đuổi nghề hội họa. Chúng tôi mở một câu lạc bộ, sinh hoạt hai buổi một tuần, xây dựng chương trình kỹ càng và hấp dẫn để thu hút cả những người yêu thích hội họa. Đến khi có nhiều tranh vẽ, chúng tôi nảy ra ý tưởng tổng kết lại qua các cuộc triển lãm, tạo dấu mốc hàng năm.
Họa sỹ Quyết Dương là người vận hành chính trong những năm đầu, còn các họa sỹ khác phụ trách tìm mẫu bên ngoài, hướng đến việc sáng tác gần gũi hơn với mọi người. Tới thời điểm hiện tại, anh Quyết lui về làm thành viên tham gia (2023-2024). Họa sỹ Hoàng Dung (Zun) trở thành người vận hành chung cho toàn bộ nhóm (2023-2025). Trong tương lai, các thành viên có thể đề xuất quay lại công việc vận hành khi phù hợp. Chúng tôi duy trì hoạt động vẽ hằng tuần, và từ triển lãm đầu tiên, việc tổ chức triển lãm nhóm đã trở thành hoạt động thường niên. Nhóm ngày càng mở rộng, không chỉ thực hành chung mà mỗi cá nhân cũng có sự phát triển riêng, kéo theo các hoạt động khác.
Studio42 vận hành phi lợi nhuận, thông qua câu lạc bộ và các kết nối. Ban đầu, chúng tôi gặp những hạn chế như vấn đề chuyển giao, mẫu khan hiếm, sự thay đổi thường xuyên về không gian và đôi khi là việc khan hiếm thành viên. Tuy nhiên, mọi thứ dần được cải thiện một cách tự nhiên: mẫu tự đến, bạn bè rủ nhau tham gia, và các thành viên đến với sự cam kết cao hơn, không chỉ đến để ký họa vài bức mà muốn gắn bó lâu dài. Dù không có ý định tạo ra một điều gì quá thu hút, chúng tôi lại nhận được sự ủng hộ lớn. Truyền thông cũng góp phần quan trọng trong việc gắn kết với khán giả.
Studio42 giống như một “cứu cánh” giúp chúng tôi bắt nhịp lại với nghệ thuật và góp phần vào ngôi nhà chung. Các thành viên nữ làm tốt hơn trong khâu tổ chức, và nhu cầu cơ bản của mỗi người là vẽ đã dẫn dắt đến các hoạt động khác của nhóm. Với họa sỹ Thảo Phương, bản thân chị tìm thấy sức hút của nhóm qua những bức tranh trên Facebook. Là một người từng vẽ một mình và không có cộng đồng, chị thấy “như cá gặp nước” khi vào nhóm, bởi nơi đây giúp chị được cuốn vào việc vẽ mà không bị mất tập trung.
So với việc thực hành độc lập, ưu điểm và nhược điểm mà Studio42 nhận thấy khi thực hành như một tập thể là gì?
Studio42: Studio42 nhận thấy việc thực hành theo tập thể mang lại nhiều ưu điểm rõ rệt, đặc biệt là việc tạo dựng một cộng đồng vững chắc để chia sẻ và hỗ trợ lẫn nhau. Chúng tôi vẫn giữ được sự độc lập trong sáng tác cá nhân, với lịch sinh hoạt chung chỉ một buổi mỗi tuần. Ưu điểm lớn nhất là có một môi trường để các thành viên, đặc biệt là những người mới ra trường, có cơ hội gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và duy trì thói quen vẽ một cách đều đặn. Nếu thiếu đi những buổi sinh hoạt “hữu cơ” và tự nhiên này, việc duy trì nhịp điệu sáng tác cá nhân sẽ rất khó khăn. Mặc dù tên nhóm Studio42 được truyền thông rộng rãi hơn tên cá nhân các thành viên, nhóm lại không giới hạn thành viên tham gia, từ đó tạo ra một cộng đồng lớn mạnh với sự riêng tư được tôn trọng.
Công việc tổ chức triển lãm thường là vai trò của các phòng tranh/ không gian nghệ thuật. Studio42 đã gặp phải những thử thách gì khi thực hiện công việc này?
Studio42: Việc tổ chức triển lãm, đặc biệt tại các không gian chuyên nghiệp như VCCA, thực sự là một thử thách lớn và không phải là thế mạnh của Studio42. Chúng tôi đã phải học cách thích nghi với quy trình của đối tác như chuẩn bị hồ sơ và kiểm soát chặt chẽ các quyền lợi. Quá trình truyền thông cũng đòi hỏi sự kiểm duyệt nhiều lần. Bên cạnh đó, nhóm còn trực tiếp tham gia vào các công đoạn như sơn sửa, điều chỉnh ánh sáng để đảm bảo không gian trưng bày được chau chuốt nhất.
Năm nay, toàn bộ nhóm đã chủ động tự phân bổ công việc. Điều này giúp chúng tôi nhận ra rằng “tinh thần tổ chức là việc chung”, đòi hỏi không chỉ ban tổ chức mà tất cả các họa sỹ tham gia đều phải chủ động. Mục tiêu chung là giữ bình tĩnh để tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề phát sinh, kể cả những việc nằm ngoài dự kiến. Khi tổ chức triển lãm, chúng tôi không chỉ chịu trách nhiệm cho tác phẩm cá nhân mà còn cho cả một tập thể. Dù có người ra quyết định cuối cùng, nhưng tính tự nguyện của hoạt động khiến thời gian chờ đợi đôi khi kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ. Bên cạnh đó, các thành viên cũng nhịp nhàng phân công nhiều vai trò từ truyền thông, sắp xếp mẫu đến hỗ trợ tài chính, tổ chức và đối ngoại.
6. Là một nhóm nghệ sỹ trẻ, Studio42 đã có độ phủ sóng nhất định trên nền tảng mạng xã hội. Quan điểm của mọi người về việc tự quảng bá thực hành của mình?
Studio42: Chúng tôi tin rằng truyền thông là một công việc cần thiết và nghệ sỹ nên tận dụng triệt để sức mạnh của nó. Mạng xã hội không chỉ giúp tiếp cận người xem hay người mua tiềm năng mà còn mở rộng cộng đồng quan tâm đến nghệ thuật nói chung, tạo ra nhiều cơ hội và giúp dễ dàng tìm kiếm thông tin về nhà tổ chức hay các nghệ sỹ khác. Với một nhóm như Studio42, việc lan tỏa thông điệp trở nên dễ dàng hơn, khi các cá nhân thường có tâm lý ngại tự quảng bá.
Với vai trò là một tập thể, Studio42 có thể thu hẹp khoảng cách này. Mục đích truyền thông cũng có sự khác biệt: Studio42 hướng đến một tệp khán giả riêng, trong khi danh tiếng chuyên môn vẫn thuộc về từng nghệ sỹ cá nhân. Studio42 đóng vai trò như một cầu nối, giới thiệu các nghệ sỹ tham gia, giúp họ đến gần hơn với công chúng so với việc chỉ tự truyền thông cá nhân. Tài khoản mạng xã hội của nhóm hoạt động tích cực, nhưng các nghệ sỹ thường giữ sự “low-key”. Rõ ràng, truyền thông đóng một vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của nhóm, đặc biệt trong bối cảnh cơ hội cho nghệ sỹ trẻ còn hạn chế. Nhờ Studio42, thực hành của chúng tôi được chia sẻ rộng rãi hơn, vượt xa những giới hạn ban đầu.
7. Trong thời gian triển lãm, Studio42 cũng đã tổ chức tour nghệ thuật để giới thiệu về tác phẩm và ý tưởng của từng nghệ sỹ. Việc có những buổi phân tích mở cho công chúng nới rộng cơ hội tới những khán giả quan tâm, giúp các cuộc đối thoại mang nhiều tính gợi mở hơn. Việc kết nối với khán giả so với kết nối với phòng tranh sẽ khác ra sao?
Studio42: Ý tưởng tổ chức tour nghệ thuật ban đầu xuất phát từ gợi ý của bên địa điểm. Mặc dù các họa sỹ có phần e ngại, nhưng đây là một thử thách đồng thời là cơ hội quý giá để tiếp cận gần hơn với khán giả. Chúng tôi chia sẻ một cách gần gũi, không quá học thuật hay cao siêu.
Đối với nghệ sỹ, vẽ là sự thể hiện nội tâm, là tiếng nói riêng. Nhiều khi, chỉ bức tranh thôi là chưa đủ, chúng tôi muốn chia sẻ sâu hơn về tác phẩm. Với một triển lãm nhỏ như của Studio42, có nhiều tác giả và nhiều câu chuyện đan xen, một người dẫn không thể lột tả hết. Do đó, những người đồng hành trong nhiều tháng làm việc cùng chúng tôi sẽ hiểu sâu sắc hơn và có sức thuyết phục hơn khi dẫn tour.
Cá nhân họa sỹ Thảo Phương đã tham gia tour nghệ thuật, và khi đến tác phẩm của mình, chị thấy mọi người như “đứng hình”. Khi chị chia sẻ ý nghĩa đằng sau bức tranh, các bạn họa sỹ khác cũng bày tỏ sự bất ngờ vì có những điều họ chưa từng nghĩ tới. Tranh của chị không chỉ đơn thuần tả cảnh, mà chọn lọc hình ảnh để tạo sự tương đồng với điều mình muốn truyền tải, bao gồm cả những yếu tố xung quanh bức tranh.
Đây không chỉ là việc nghĩ đến khán giả, mà còn là học cách giao tiếp. Sự đồng hành của nhóm giúp chúng tôi không chỉ nói về tác phẩm mà còn kể về tác giả, giúp khán giả hiểu được lý do và hành trình ra đời của mỗi tác phẩm. Những năm trước không có người dẫn tour, nhưng năm nay có họa sỹ Khánh Vân hỗ trợ, phía nghệ sỹ chúng tôi thấy đây là một hoạt động vô cùng cần thiết.
8. Dự định và mong muốn trong tương lai của Studio42 là gì?
Studio42: Đầu tiên, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì hoạt động vẽ mẫu vào thứ Bảy hàng tuần. Thứ hai, đối với dự án “42OUTSIDE” – như đã chia sẻ trên mạng xã hội – các thành viên sẽ tự thành lập các nhóm nhỏ (từ 2–4 người) để thử nghiệm những chất liệu mới, không gian mới và cách tiếp cận mới trong sáng tạo. Các nhóm nhỏ này sẽ có sự tương tác sâu sắc hơn, hướng tới chất lượng nghệ thuật cao hơn và tìm kiếm những đối tác phù hợp. Điều này cũng giúp giảm thiểu các vấn đề phát sinh so với hoạt động nhóm lớn.
“42OUTSIDE” hướng đến việc chú trọng vào quá trình hơn là kết quả cuối cùng, nhằm duy trì tinh thần sáng tạo và nâng cao chuyên môn, đồng thời bảo vệ tốt hơn tinh thần của họa sỹ và phân tán các chức năng khác nhau. Chúng tôi có thể hoạt động ở nhiều không gian khác nhau. Thay vì tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài, Studio42 tận dụng các kết nối sẵn có trong cộng đồng nghệ thuật, từ thế hệ tiền bối cho đến những nghệ sỹ trẻ hơn. Trong tương lai, các thành viên mới, dù không quá quan tâm đến ký họa, vẫn có thể tham gia vào các nhóm nhỏ này. Chúng tôi mong muốn nới rộng phạm vi và đối tượng tham gia.
Về triển lãm, chúng tôi cần thời gian để cân nhắc kỹ lưỡng, có thể mất khoảng 1 năm rưỡi để chuẩn bị. Các triển lãm nhóm nhỏ trong tương lai sẽ đặc biệt chú trọng vào chất lượng, phải diễn ra một cách tự nhiên và có khả năng lưu trữ nhiều tác phẩm. Chúng tôi mong muốn các thành viên có tinh thần cầu tiến và xây dựng để giảm thiểu tối đa các mâu thuẫn. Mọi hoạt động sẽ được ghi lại dưới dạng hình ảnh để tạo cảm hứng, và các tác phẩm sẽ được thực hiện một cách nghiêm túc hơn, có trách nhiệm và kế hoạch cụ thể hơn.
Xin cảm ơn Studio42 vì những chia sẻ thú vị. Mong rằng Studio42 sẽ có thêm nhiều hoạt động lan tỏa và thành tựu mới trong cộng đồng nghệ thuật Việt Nam!
Thực hiện: Trao