Điêu khắc gia Phạm Văn Hạng: một người… nhất hạng!

Lần đầu tiên chạm mặt Phạm Văn Hạng cách đây vài năm, khi nhìn vào với mái đầu bạc phơ cùng ánh mắt cương nghị chất chứa đầy tâm tư, và cách nói thẳng đuột không lẫn vào đâu được của người con xứ Quảng, tôi mơ hồ cảm nhận đây là một người đã đi qua cuộc đời thật đặc biệt.

Sau này, tôi nhận ra, Phạm Văn Hạng không chỉ thuộc thế hệ nghệ sỹ lão thành đã gây được tiếng vang từ đầu thập niên 70 thế kỷ tước, mà còn là cái tên được xem như huyền thoại điêu khắc của Việt Nam, với những công trình lớn đã trở thành biểu tượng, như tượng đài Mẹ dũng sỹ và Cầu Rồng tại Đà Nẵng, đài tưởng niệm Mai Quốc Ca tại Quảng Trị, đào tưởng niệm Thành phố Huế, tượng Alexandre de Rhodes tại Đà Lạt, tượng đài liệt sỹ Đặng Bá Hát tại Quảng Ninh, v.v. 

Nghệ sỹ Phạm Văn Hạng. Ảnh: Nguyễn Linh

Ở tuổi 83, Phạm Văn Hạng vẫn toát ra phong thái của một nghệ sỹ sung sức với nghề. Ông di chuyển khắp nơi, từ công trường khói bụi cho đến những cuộc họp cùng các lãnh đạo cấp cao. Ông gặp gỡ với đủ mọi kiểu người: từ các cao nhân hay văn sỹ lão thành cho đến những nghệ sỹ trẻ tuổi. Bạn bè ông rải rác khắp đất nước, cũng như những công trình hay dấu ấn mà ông đã để lại, với đủ loại hình thức, chất liệu, hay đề tài thể hiện: từ tranh, thơ, tượng, kiến trúc, đến tượng đài. 

Thật khó để phác họa chân dung của một người như thế, nhất là khi rất nhiều văn nghệ sỹ từng để lại nhiều lời lẽ khuôn thước khi đánh giá về ông, như nhà thơ Trần Dần, sử gia Đào Duy Anh, đạo diễn Đặng Nhật Minh, họa sỹ Bùi Xuân Phái, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, v.v.. Báo giới thì liên tưởng về ông theo mọi nhẽ, từ kẻ lao lực, gã rong chơi số một, ông già gân, người tạc tượng ký ức, con quỷ thánh thiện, cho đến gã khổng lồ hồn nhiên, người của hoa và đất, v.v.. Thế nên, từ điểm nhìn của người chỉ mới được biết ông trong vài năm gần đây, tôi chỉ mong mang đến một lát cắt rất nhỏ – những trăn trở ông dành cho hai chữ “Việt Nam”. 

Tiếng kêu cứu khẩn thiết 

Dấu mốc nghệ thuật quan trọng đầu tiên của Phạm Văn Hạng chính là tác phẩm “Việt Nam SOS” gửi tới cuộc triển lãm quốc tế của Hồng Thập Tự. Tác phẩm có kích thước 100 x 120cm được làm từ kẽm gai, mảnh bom đạn và những bộ phận từ cơ thể người trong chiến tranh như xương, thịt da và cả ruột người, v.v. đã được ông gom góp khi làm phóng viên tại chiến trường Quảng Trị năm 1970. Hơn tất cả những biểu hiện duy cảm hay duy mỹ, bức tranh thể hiện sự tàn khốc khôn cùng của chiến tranh, bày tỏ thái độ của một người nghệ sỹ trước nỗi đau của dân tộc và nạn nhân bên trong vùng chiến sự. 

“Khi biết đến cuộc triển lãm này, tôi đã tự hỏi: Việt Nam nên mang gì đến đây? Thế là tôi viết ‘SOS’ – như lời cầu cứu khẩn thiết,” ông nói. 

Trên đường được vận chuyển đến Huế, bức tranh được Trịnh Công Sơn đổi tên lại thành “Chứng tích” vì theo cố nhạc sỹ, cái tên cũ quá trực diện, trong khi cái tên mới nhiều ẩn ý và tính nghệ thuật hơn. Ngay khi xuất hiện tại Sài Gòn, bức tranh đã thu hút sự chú ý lớn đến mức khiến nhà tổ chức triển lãm lúc bấy giờ phải tháo gỡ trước khi Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu đến cắt băng khai mạc. 

Phạm Văn Hạng, “Chiến tranh” (1986), mảnh bom bằng kim loại. Đặt tại vườn tượng Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Linh

Bỏ ra tâm huyết hơn hai năm để thành hình một tác phẩm mà những gì còn lại chỉ là vài tấm hình lưu niệm, còn có bài viết về sự cố mang tên “Hội chợ ‘suýt nổi loạn’ vì một bức tranh bị tịch thu” đăng trên báo Hòa Bình, Phạm Văn Hạng đau đớn, nhưng đó cũng chính là khoảnh khắc quan trọng, mở đường cho ông dùng nghệ thuật để nói lên tiếng lòng mình.

Tiếp sau “Chứng tích”, ông có các triển lãm điêu khắc và hội họa cá nhân đầu tiên ở Pháp văn Đồng minh hội năm 1973 và Hội Việt Mỹ năm 1974. Sau đó, ông bén duyên Đà Lạt, bắt đầu rong ruổi khắp nơi trên chiếc xe motor và bắt tay vào điêu khắc. Để đảm bảo sinh kế, ông làm đủ nghề, từ chạy xe thồ đến đi phụ diễn.

Có lẽ cuộc sống khó khăn khi đó đã phần nào làm thui chột bản năng nghệ thuật trong người Phạm Văn Hạng, nếu như không có cuộc gặp gỡ với nhà sử học Đào Duy Anh. Sử gia lừng danh chính là người đã khuyến khích ông thực hiện tác phẩm kỷ niệm 600 năm Nguyễn Trãi, thông qua câu nói khiến ông day dứt mãi: “Kiếp người nước mắt ngập đầu, thì hồn tin về biết đâu mà tìm”. 

Phạm Văn Hạng, “Tượng Mẹ dũng sỹ” (1984), vỏ đạn đại bác, 12m. Đặt tại Thanh Khê, Đà Nẵng. Ảnh: Tổng hợp

“Năm 1977, ông đã tặng tôi câu này và khuyên tôi nên phác thảo ý tưởng kỷ niệm 600 năm danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Ông bảo tôi hãy tiến về phía trước, đừng quay lưng lại, đừng quá suy tư. Chính điều này đã giúp tôi mượn tư tưởng của Nguyễn Trãi để gửi gắm tâm hồn mình.”

Đó là năm 1977, hai năm sau khi đất nước được thống nhất. Dự án dựng tượng danh nhân Nguyễn Trãi tại Côn Sơn (Hải Dương) không thành, nhưng: “nhờ ý tưởng về tác phẩm, tôi được xuất hiện trên báo Tin Sáng của ông Ngô Công Đức – tờ báo hoạt động trước khi thống nhất nay được phục hồi. Khi các cán bộ tại quê tôi (Quảng Nam, Đà Nẵng) đọc bài báo, họ đã viết thư mời tôi về; nhưng tôi tự hỏi: Mình là ai mà được mời? Mình có công trạng gì đâu? Nên tôi từ chối, và chỉ trả lời khi có đủ điều kiện sẽ về chào.”

“Sau đó, tôi về quê tảo mộ cha mẹ rồi thuê khách sạn có 12 đồng một đêm để ở. Có người đến hỏi tôi đang ở đâu, rồi mời tôi đi cùng. Tôi bước lên xe mà không biết sẽ đi đâu, hóa ra họ đưa tôi về nhà khách tỉnh ủy. Tôi nằng nặc đòi về khách sạn, nhưng rồi có người đến xách vali giúp tôi. Lúc đó, họ mới đề nghị: ‘Chúng tôi có nhu cầu làm tượng đài’. Thực tình lúc đó (năm 1985) đã có quá nhiều cuộc thi làm tượng đài chiến thắng, và tôi quá mệt mỏi với đủ thứ yêu cầu, nên tôi muốn từ chối…”

Phạm Văn Hạng, “Tượng Mẹ dũng sỹ” (1984), vỏ đạn đại bác, 12m. Đặt tại Thanh Khê, Đà Nẵng. Ảnh: Tổng hợp.

Đó chính là điểm khởi đầu của tác phẩm tượng mẹ Nhu làm từ vỏ đạn đại bác. “Tôi cố tình đưa ra yêu cầu khó để tránh phải chạy theo các đề bài thông thường. Lúc đó có người nhiệt tình quá, nói sẽ tìm được giải pháp cho nghệ sỹ. Mà có lẽ như vậy thật, toàn dùng phế liệu, lúc đó còn nhiều và dễ kiếm. Tôi chỉ biết nghĩ thầm: ‘Chết rồi, nếu làm được thì may mắn lắm’. Trước đó, từng có một hình ảnh ‘Mẹ Nhu và bảy dũng sỹ Thanh Khê’ được nhiều người khai thác với tám nhân vật, mỗi người một tư thế khác nhau: người bắn súng, người ném lựu đạn, người giơ tay, v.v.. Đó là hình ảnh mang tính sân khấu kịch nghệ phong cách Xô Viết. Tôi tự hỏi: ‘Sao mình không liều làm khác đi?’. Không chỉ vì tôi không muốn đi vào lối mòn, mà còn vì một lý do khác nữa: Không đủ thời gian. Cuối cùng, tượng mẹ Nhu ra đời, với hai tay dang rộng che chở cho đàn con, bàn tay hướng về phía mặt trời. Thế là từ ‘Mẹ Nhu và bảy dũng sỹ’, tôi đổi thành ‘Mẹ dũng sỹ’, để thể hiện lòng biết ơn một người mẹ cụ thể ở Thanh Khê, nhưng cũng là hình tượng chung của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng.” 

“Sau khi khánh thành, may mắn là ông Lê Duẩn đến xem tượng và khen ngợi. Từ đó, mọi người mới bắt đầu chú ý tìm đến đặt hàng. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến chuyện kiếm tiền thôi. Tôi luôn quan niệm trong đời, nếu làm việc tốt thì sẽ gặt hái được quả ngọt. Đừng trách thể chế quá – thể chế nào cũng có mặt tốt xấu, nhất là khi đất nước vừa thống nhất.”

Những công trình đến từ tình yêu 

Ít ai biết rằng Phạm Văn Hạng và cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn từng ấp ủ làm ra một công trình lớn về tình yêu. Ban đầu, tác phẩm mang tên “Nhà nguyện Tình yêu”, sau đó được đổi tên thành “Đền Tình”, “Cung Tình”, rồi “Lâu đài tình ái”. Lý do cả hai làm nên công trình này thì đơn giản: Tình Yêu.” Chúng tôi muốn tạo ra một ‘đền tình’ lớn – nơi những người đến tuổi kết hôn có thể mời bất kỳ ai họ muốn, như mục sư, linh mục, giáo sư hay nhà thơ đến giảng. Ở đó không tồn tại biên giới tôn giáo, chỉ có sự giao cảm của những tâm hồn thuần khiết.” – Ông nói.

Đẹp đẽ và nhân văn là vậy, nhưng vì nhiều lý do, công trình tình yêu này mãi nằm trong tâm tưởng, và hiện diện như một sa bàn bên trong căn phòng chứa đủ loại tranh vẽ thuộc căn nhà vừa được sử dụng làm nơi trưng bày tác phẩm nghệ thuật, vừa là nơi ở của ông tại Đà Lạt, bên cạnh hai nơi chốn thân thuộc khác tại Sài Gòn và Đà Nẵng. 

“Tôi đã từng làm tượng đài chiến thắng. Khi được đặt hàng, tôi chỉ làm những bức tượng ít súng đạn. Nguyên tắc sáng tác của tôi luôn xoay quanh hai biểu tượng: chim bồ câu và trái tim, bởi tôi theo đuổi chủ nghĩa hòa bình,” ông khẳng định.

Phạm Văn Hạng, “Hòa bình” (1990), bê tông cẩn gốm. Đặt tại vườn tượng Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Linh

Phạm Văn Hạng, “Hòa Bình” (2022), kim loại trắng. Đặt tại vườn tượng Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Linh

Trong một lần trà dư tửu hậu, Phạm Văn Hạng tâm sự về cơ duyên khiến ông gắn bó với nghề điêu khắc. Tại triển lãm của Pháp văn Đồng minh hội, người bạn gái của ông lúc đó đã theo một người họa sỹ tài danh khác, mà ở thời điểm đó, hơn ông về mọi mặt. Trước khi chia tay, người bạn gái đã tặng ông cuốn tiểu thuyết “Đôi bạn chân tình” của Hermann Hesse. Thành công trong nghệ thuật nhưng thất bại trong con đường tình ái, ông sinh lòng ghen tức. Suốt đêm đó, ông thức trắng để đọc hết cuốn sách về một chàng tu sỹ mê tạc tượng của đại thi hào Đức. Câu chuyện khiến ông quyết tâm trở thành nhà điêu khắc, vì đó là cách duy nhất để vượt qua được người họa sỹ đã cướp mất người yêu kia. Phạm Văn Hạng tin rằng ông họa sỹ này không thể trở thành điêu khắc gia.

Câu chuyện tưởng như đùa, nhưng lại là bước ngoặt khi chỉ một, hai năm sau đó, ông đã làm triển lãm tranh tượng, và mời đúng người yêu cũ cùng “tình địch” đến dự, như một câu trả lời đầy ý vị. Một cơ duyên nghệ thuật, và màn trả thù rất đỗi Phạm Văn Hạng! 

Phạm Văn Hạng, bộ chân dung các nhà văn hóa nghệ thuật và Thần Tây Nguyên (2015), đồng. Đặt tại vườn tượng Đà Lạt. Ảnh: Nguyễn Linh

Nói đi cũng phải nói lại, sự cố tình ái lần đó đã mở đường cho Phạm Văn Hạng đến với việc điêu khắc, mà nổi tiếng nhất, phải kể đến loạt tượng danh nhân trong ba căn nhà của ông. Từ các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng như học giả Đào Duy Anh, giáo sư Nguyễn Khắc Viện, giáo sư Trần Quốc Vượng; cho đến các nghệ sỹ lừng danh như nhạc sỹ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Thanh Tịnh, nhà thơ Lưu Trọng Lư, v.v..

Chưa hết, tại các không gian học thuật như trường đại học, thư viện hoặc nơi công cộng, ông cũng lưu dấu tích với những bức tượng Quang Trung, Hàn Thuyên, Alexandre de Rhodes, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, v.v. bề thế và đậm phong cách riêng. Với ông, điêu khắc mà lột tả được cái thần hay câu chuyện của nhân vật đã khó; thể hiện được tinh thần nghệ thuật của tác giả và khiến cho nó đứng vững qua năm tháng còn khó hơn gấp bội. 

Phạm Văn Hạng, “Tượng Alexandre de Rhodes” (2008), đá hoa cương trắng, 3x2m. Đặt tại Hà Nội.  12m. Ảnh: Tổng hợp.

“Tôi chỉ là người lao lực mê nghệ thuật” 

“Tôi chủ yếu làm việc với khối tư nhân, ít khi nhận dự án nhà nước. Chỉ 4 tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, là nơi tôi thường xuyên hợp tác, bởi họ thực sự thấu hiểu cách làm việc của tôi. Đến nay, chưa có công trình nào tôi nhận vượt quá 5,5 tỷ đồng – khoản tiền đã bao trọn chi phí vật tư đủ chủng loại đến nhân công. Sau khi trừ mọi khoản chi phí, tôi chỉ hy vọng giữ lại được khoảng 1 tỷ đồng. Nhiều đồng nghiệp trong nghề cho rằng tôi đang phá giá thị trường. Nhưng với tôi, nỗi lo lớn nhất không phải là tiền bạc, mà chính là những hội đồng nghệ thuật. Mỗi lần phải chỉnh sửa theo ý kiến hội đồng, tác phẩm như mất đi một nửa linh hồn. Tôi luôn ấp ủ mong muốn Việt Nam sẽ thay đổi cách nhìn nhận về nghệ thuật – phải để người nghệ sỹ được tự do sáng tạo trong trạng thái sung mãn nhất, không bị gò bó bởi những lối mòn.”

Một lần khác, Phạm Văn Hạng được ông Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Học viện Nguyễn Ái Quốc mời ra Hà Nội để thực hiện tượng Cụ Hồ đặt trước Học viện. Điều này khiến ông suy nghĩ lung lắm: Vì sao tượng Cụ Hồ lại dựng trước Học viện Nguyễn Ái Quốc mà không phải là tượng Nguyễn Ái Quốc? Tượng Cụ Hồ đã có ở quá nhiều nơi, trong khi tượng Nguyễn Ái Quốc tạo hình nghệ thuật đẹp, lại mang tính đương đại và là ước mơ của nhiều người? Ông trăn trở và bày tỏ suy nghĩ này với nhiều vị chức sắc, và cuối cùng gặp ông Lê Đức Thọ. Sau khi nghe xong lời giải thích, ông Lê Đức Thọ bước lên bục ôm hôn ông và nói: “Đây mới là nghệ sỹ!” trước sự chứng kiến của cả hội đồng giáo sư trong Học viện. Vì chuyện này, Học viện đã phải mở Hội nghị Khoa học mời nhiều giáo sư, tiến sỹ và viện trưởng tham dự. Phạm Văn Hạng vẫn bảo lưu ý tưởng chỉ làm tượng Nguyễn Ái Quốc. Về sau, nơi này cũng đã đổi tên thành Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. 

Phạm Văn Hạng cho biết, ông không dám nhận mình là nghệ sỹ. “Tôi chỉ là người lao lực mê nghệ thuật. Danh xưng nghệ sỹ quá lớn lao với tôi. Cuộc đời tôi là một hành trình cơ cực, đầy suy tư. Mục đích sống của tôi rất rõ ràng: không ăn bám xã hội, phải tự lực kiếm sống.”

Chẳng thế mà ông viết, trong tập thơ đầu tay “độc nhất vô nhị” mang tên “30 năm tập tễnh làm thơ” làm bằng đồng nặng 200kg được thể hiện bằng 4 ngôn ngữ, mà Thư viện Quốc gia đã 2 lần mượn để trưng bày:

“Những con rối

được sống 

Nhờ bàn tay 

Nghĩ suy 

Những con rối chỉ huy 

Chỉ còn đầy

nước mắt.”

Với Phạm Văn Hạng, cuộc đời lắm khổ đau. Đời người nghệ sỹ cần khổ đau hơn nữa, để trằn trọc, nghĩ suy cho thân phận, vượt qua ngưỡng cửa của khó khăn. Ẩn dưới vẻ ngạo đời, ngạo người ấy, là cái tâm canh cánh giúp đời và giúp người. 

Có những thứ, thoạt nghe cứ tưởng là âm thanh từ bên ngoài vọng lại, nhưng cuối cùng, lại là tiếng nói của chính mình phát ra.

Bài viết: Hai Yen Ho

Ảnh: Tổng hợp, Nguyễn Linh