TPG CHĐ: Tôi đã từng đọc được thông tin về một họa sĩ, một nhà điêu khắc Hàm Nghi – Tử Xuân cách đây khá lâu. Gần đây, dù cũng quan tâm đến một cuộc đấu giá tranh của vua Hàm Nghi, nhưng có thể nói tôi mới chỉ được xem một vài tranh qua hình ảnh trên mạng, chứ chưa được trực tiếp nhìn ngắm trực tiếp các tác phẩm của ngài.
TPG CHĐ: Khi được giám tuyển Ace Lê ngỏ lời đề nghị tham gia thể hiện bằng nghệ thuật thư pháp một số tác phẩm thi ca thời kỳ Cần Vương để trưng bày cùng trong triển lãm tranh của vua Hàm Nghi, thú thực khi ấy tôi còn chưa kịp hỏi tên gọi, cũng như địa điểm tổ chức của cuộc triển lãm này. Nhưng tôi lập tức thấy ngay đó là một điều rất tuyệt vời. Bởi, trong quan niệm truyền thống Á Đông thì “Thư Họa đồng nguyên” – tức là viết chữ, vẽ tranh vốn cùng một nguồn mà ra. Chẳng thế mà chữ Thư (書), và chữ Họa (畫) cùng có chung một khởi đầu từ chữ Duật (聿) – nghĩa là bút. Hơn nữa, nói đến vua Hàm Nghi không thể không nói đến phong trào Cần Vương chống Pháp mà ông là một vị lãnh tụ, và vây quanh ông là hàng loạt những vị anh hùng khắp cả nước cùng đứng dậy hưởng ứng phong trào. Còn gì thích hợp hơn khi ba môn nghệ thuật Thi – Thư – Họa gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi cùng được xuất hiện trong một không gian. Chính vì vậy tôi đã quyết định tham gia vào công việc này, mặc dù ban đầu không khỏi có những lo lắng nhất định vì thời gian thực hiện là khá gấp rút.
TPG CHĐ: Các nhân vật gắn với phong trào Cần Vương, cũng như thơ ca Cần Vương còn lại rất nhiều, tuy nhiên trong khuôn khổ của triển lãm lần này, Ban tổ chức chỉ có thể lựa chọn được 12 tác giả tiêu biểu nhất, cũng là những bậc nghĩa liệt hàng đầu của phong trào như Tôn Thất Thuyết, Trần Xuân Soạn, Phan Đình Phùng, Tống Duy Tân, Mai Xuân Thưởng, Lã Xuân Oai, Nguyễn Thiện Thuật… Cùng 13 tác phẩm thơ ca thể hiện nhiều tâm trạng, tình huống khác nhau trong công cuộc cần vương khi ấy: Từ khí thế sôi sục khi nhận được hịch truyền (Thu hứng – Nguyễn Hóa), đến hành quân (Đông thiên sư hành quá Đồng Cổ sơn tác – Tống Duy Tân), thắng trận (Thắng trận hậu cảm tác kỳ nhị – Phan Đình Phùng), khích lệ tướng lĩnh (Tôn Thất Thuyết), và cả những quyết tâm lấy lại trời Nam (Tạ Hiện), thà chết vì việc nghĩa (Mai Xuân Thưởng), cho đến sẵn sàng chịu tội trước tòa án của kẻ cầm quyền (Lã Xuân Oai), và những đau thương tiễn biệt tướng sĩ trận vong, nhưng danh thơm vẫn còn muôn thuở (Nguyễn Xuân Ôn)… Có thể nói Ban tổ chức đã lựa chọn rất kỹ lưỡng những tác giả tác phẩm để sao cho có thể giới thiệu được tới công chúng một cách khái quát nhất bối cảnh lịch sử, văn hoá, tâm tư tình cảm của thời kỳ đáng nhớ ấy trong lịch sử dân tộc.
TPG CHĐ: Nói về vẻ đẹp của một tác phẩm thư pháp, thì nó được thể hiện trên hai khía cạnh: nội dung và hình thức. Về nội dung, trong triển lãm lần này, hầu hết các tác phẩm tôi sử dụng đều dựa trên các bài thơ ca Cần Vương mà ban tổ chức đã thống nhất, nhưng cũng có những tác phẩm được tôi lựa chọn riêng và sử dụng những câu thơ đặc sắc nhất, hay nhất, thể hiện lột tả rõ nhất tư tưởng của tác giả trước thời cuộc bấy giờ. Về hình thức, vẻ đẹp của thư pháp thể hiện ở bút pháp (đường nét), chương pháp (bố cục), mặc pháp (cách dùng mực). Trong các tác phẩm lần này, tôi đã thể hiện bằng nhiều thể chữ khác nhau, đủ: khải, hành, thảo, lệ. Trong Lệ thư, lại cũng được thể hiện bằng nhiều hình thái khác nhau, có phương bút (nét vuông cứng), có viên bút (nét bút tròn, mềm mại), và cả kết hợp phương-viên đan xen. Bố cục của các tác phẩm cũng được thể hiện phong phú: có những bức viết kiểu cổ điển với toàn bộ nội dung thơ, cũng có bức chính văn chỉ viết một hay vài chữ, hoặc một câu lớn, kèm theo toàn bài thơ, hay đôi câu thơ hay nhất đã được lựa chọn. Về mặc pháp cũng vậy, tôi đã chú ý lựa chọn thể hiện bằng một vài màu mực cùng với đó là màu giấy khác nhau. Điều đó giúp người xem không cảm thấy nhàm chán, và luôn thấy một sự mới mẻ, cuốn hút khi chuyển từ tác phẩm này sang tác phẩm khác trong gian trưng bày thư pháp, và sẵn sàng đón nhận thưởng thức những tác phẩm hội họa đầy màu sắc của vua Hàm Nghi trong gian tiếp theo.
TPG CHĐ: Tôi hoàn toàn đồng tình với giám tuyển Ace Lê về nhận định này, như những gì tôi đã chia sẻ ở trên. Sự kết hợp Thi —Thư — Họa trong triển lãm lần này thực sự ý nghĩa và tinh tế cả về khía cạnh lịch sử, cũng như khía cạnh nghệ thuật. Trong các cuộc triển lãm thư pháp hay thư họa trước đây, mà tôi từng tham gia hay tham quan, hầu như chúng ta mới chỉ có sự kết hợp thư pháp với tranh thủy mặc. Sự kết hợp trưng bày giữa thư pháp Hán Nôm truyền thống với tranh sơn dầu theo phong cách hội hoạ phương Tây lần này đúng là trước nay chưa từng có tiền lệ. Ban tổ chức đã làm được một việc đột phá khi dịch gần lại khoảng cách, nếu không nói là xóa mờ ranh giới giữa hai môn nghệ thuật; một truyền thống và một hiện đại. Tôi tin rằng, việc này sẽ hé mở ra một góc nhìn mới trong không khí nghệ thuật Việt Nam, thúc đẩy hơn nữa tính đa dạng trong thưởng thức mỹ thuật, giúp nghệ thuật thư pháp Việt Nam được chú ý hơn trong sự phát triển chung của nền mỹ thuật nước ta.
TPG CHĐ: Đi theo lộ trình tham quan từ khu vực giới thiệu chung, qua không gian thư pháp thi ca Cần Vương, và đích đến cuối cùng là khu vực trưng bày 21 bức tranh của vua Hàm Nghi chia theo ba chủ đề: Trời – Non – Nước, cũng như tất cả những người tham quan khác, tôi như được dần trải qua những bước ngoặt trên đường đời của nhà vua: từ hoàng cung bước sang con đường kháng chiến chống Pháp với một tinh thần hăng hái, vượt mọi chông gai, dù cuối cùng thất bại, bị đày sang Algeria, nhưng “tài hoa chân bất thiểu” (thực chẳng ít tài hoa – câu thơ của Kỳ Đồng), và cuộc đời ông lại rẽ sang một ngả mới – trở thành một nghệ sỹ hiện đại đầu tiên của Việt Nam. Qua lộ trình tham quan ấy, có lẽ ai cũng cảm phục và ngưỡng mộ trước hào khí anh hùng và tâm hồn nghệ sỹ của ông. Và, chúng ta dần thấy rõ trong tâm trí mình, một người họa sĩ — nghệ sỹ hiện đại Tử Xuân đã được đứng lên cùng sánh vai với người anh hùng Hàm Nghi.
Trở lại với vai trò là một người có tác phẩm thư pháp được trưng bày trong cuộc triển lãm này, tôi thực sự cảm thấy hãnh diện, tự hào, và cũng rất cảm động vì có thể thông qua đó bày tỏ được ít nhiều tấm lòng tri ân của mình với những vị anh hùng dân tộc trong công cuộc Cần Vương kháng chiến thuở nào.
Tên: Trời, Non, Nước | Allusive Panorama
Ban tổ chức: Art Republik, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Viện Pháp tại Việt Nam
Giám tuyển: Ace Lê, TS Amandine Dabat
Thời gian: 25/3 – 6/4/2025 | 7:30 – 17:30 hằng ngày
Địa điểm: Điện Kiến Trung, 32 Đặng Thái Thân, Huế
Triển lãm mở cửa miễn phí cho khách tham quan Đại Nội