Kể từ Triển lãm đầu tiên tại London vào năm 1851, những Triển lãm thế giới (Expo) luôn là một phần trong bước tiến quan trọng của lịch sử kiến trúc. Tại những cuộc đấu xảo hoành tráng này, các cường quốc phương Tây đã tạo ra những kiến trúc trở thành huyền thoại như “Cung điện Pha lê” hay “Tháp Eiffel”, nhằm trình diễn sức mạnh Công nghiệp của mình ra toàn thế giới. Vì vậy, Expo luôn được coi như “đứa con cưng” độc quyền của giới tư bản phương Tây, chỉ cho đến năm 1970, lần đầu tiên, cuộc đấu xảo ấy mới chính thức được mang đến châu Á.
Triển lãm tầm cỡ của năm 1970 như một cú kích nổ đánh dấu sự thay đổi trật tự thương mại thế giới từ Tây sang Đông. Tiếp nối tham vọng truyền bá sức ảnh hưởng của Nhật kể từ trước thế chiến II, Expo đã trao cho đất nước này cơ hội để một lần nữa, trong giọng nói hòa bình, đem đến những sắc màu văn hóa của mình ra toàn cầu. Các công trình kiến trúc tại Expo chính là một trong những công cụ truyền tải trực tiếp tham vọng của Nhật Bản tới phần còn lại của thế giới.
Thông qua kỳ Expo ’70 với chủ đề “Sự tiến bộ và hòa hợp của loài người”, Nhật Bản muốn đem đến hình ảnh đất nước mặt trời mọc hồi sinh mạnh mẽ sau chiến tranh. Nhưng đằng sau tấm rèm sân khấu, sự hòa hợp và tiến bộ được truyền bá trong Expo ‘70 thực chất lại lấy cảm hứng từ mối “bất hòa” đương đại. Từ khi bước ra khỏi thế chiến thứ hai dưới tấm áo của kẻ thua cuộc, những cuộc duyệt binh và tập trận của quân đội Mỹ diễn ra trên khắp nước Nhật đã tạo ra một bầu không khí tù túng. Đỉnh điểm của “mối bất hòa” này là những cuộc biểu tình triền miên của sinh viên xuyên suốt thập kỷ 1960 tại Tokyo, tân trung tâm của thế giới.
Không chỉ dừng lại trong nước Nhật hậu chiến, sự nhức nhối của thời cuộc còn diễn ra trên khắp toàn cầu với nhiều mâu thuẫn đã định hình thế kỷ 20, như cuộc chiến tranh Việt Nam, nội chiến Nigeria,… và đặc biệt là cuộc chiến tranh lạnh của hai cường quốc Mỹ và Liên Xô. Một cuộc chiến đã chia thế giới ra làm hai nửa. Đứng giữa sự ồn ào của thời đại, kiến trúc điểm nhấn tại Expo ‘70, được gọi là “mái nhà lớn”, vẫn trải cơ thể đồ sộ của mình giữa thành phố vị lai này như một biểu tượng cho sự ổn định và đoàn kết của nhân loại. Kiến trúc ấy có lẽ là lời khẳng định tự tin rằng, nước Nhật có thể mang đến tầm nhìn chung cho những mối bất hòa đang diễn ra trên toàn thế giới.
Kenzo Tange, kiến trúc sư chính của Expo 70, đồng thời là tác giả của cấu trúc “Mái nhà lớn”, đã đề xuất một cách thức thưởng ngoạn chưa từng có trong lịch sử Triển lãm thế giới. Không giống như cấu trúc thép và kính cầu kỳ của “Crystal Palace” tại London, nơi trình diễn hàng trăm cỗ máy cơ khí tân tiến tại Expo 1851, hay như Tháp Eiffel – “Người khổng lồ thép” của Expo 1889, Kenzo Tange đã thiết kế hệ khung giàn như một mái nhà lơ lửng che phủ trên gần ba mươi nghìn mét vuông của không gian triển lãm, tạo ra một khoảng không mênh mông bên dưới.
Không có gì phía dưới “Mái nhà lớn” nhưng đồng thời, tất cả mọi thứ đều diễn ra dưới “Mái nhà lớn”. Công trình như ẩn dụ của sự chuyển dịch từ văn hóa trọng vật chất cho đến cái đẹp phi vật chất. Thông qua “Mái nhà lớn”, Kenzo Tange đã nhấn mạnh bối cảnh đương thời, chuyển đổi từ “phần cứng” của vật chất thành “phần mềm” của thông tin, sự hình thành của một kiểu hình xã hội mới, một “Thời đại thông tin” hậu công nghiệp. Công trình mở ra một cuộc triển lãm mà ở đó văn hóa, truyền thống, và những diễn ngôn đa dạng trở thành thành tựu để nước Nhật trưng ra với toàn thế giới. Khi đó, Khoảng không rộng lớn ấy là một nền tảng (platform) tiềm năng để phô diễn những tương tác hữu cơ và khả biến trong tư duy con người.
Hệ thống máy móc và Robot của Arata Isozaki
Những hệ thống kỹ thuật phức tạp cùng với hàng nghìn thanh thép chằng chịt và bóng loáng giao nhau trên không trung đã tạo nên một “mái nhà lớn” cho tương lai đầy tiềm năng của công nghệ và hệ thống thông tin, nhưng liệu con người có thể thực sự kết nối dưới những hệ kết cấu lạnh lùng, vô cảm ấy? Ichirō Hariu, một trong ba đại thụ của phê bình nghệ thuật tại Nhật, đã từng rảo bước dưới không gian “Mái nhà lớn”, và thắc mắc rằng liệu chúng ta có thực sự gặp gỡ hay phong phú hóa trải nghiệm của mình tại nơi này? một nơi không có gì để níu kéo, không có bóng râm của tự nhiên.
Những bổ sung của kiến trúc sư Arata Isozaki có lẽ đã trả lời cho vấn đề thực tế mà Hariu đặt ra. Isozaki đã thêm vào ngay bên dưới mái lớn một hệ thống giao tiếp xã hội ẩn. Chúng sẽ được kích hoạt bởi các hệ thống kỹ thuật ánh sáng và âm thanh trên hệ khung giàn mái và những con robot khổng lồ với những chức năng phun sương và phát thanh sẽ di chuyển khắp khán đài. Isozaki đã sử dụng những cơ chế-siêu hiện đại này để kích thích tương tác giữa con người với con người, biến không gian “mái nhà lớn” do Kenzo Tange thiết kế thành môi trường của một lễ hội thực thụ.
Bản thân quảng trường này cũng chính là kết quả trực quan và thành công nhất của những nghiên cứu về “Thành phố vô hình” của Isozaki. Ông nhận thấy rằng bên trong những không gian đô thị cố định và bất biến là sự sống động, khả biến và đầy bất ngờ xảy ra bởi những hoạt động tự phát của người dân, một mạng lưới xã hội vô hình đầy biến động và kịch tính.
Mặc dù tập trung đến sự an toàn và các khía cạnh kỹ thuật phục vụ Expo, nhưng hệ thống do kiến trúc sư Isozaki thiết kế có lẽ đã dự đoán một cánh mơ hồ về sự xuất hiện của loại không gian mới gắn liền với một “Xã hội được quản lý”. Nói cách khác, đó chính là một hình thức xã hội đại chúng do hệ thống quan liêu và tư bản thống trị đằng sau cánh gà sân khấu. Sự nghi ngờ mang tính chiến thuật của những người theo chủ nghĩa dân túy đã phủ lên các kiến trúc biểu tượng tại Expo ‘70 nhiều giả thuyết của một nền chính trị đầy thương tích sau chiến tranh. Chẳng hạn như, hình ảnh bóng loáng và choáng ngợp của Expo dường như đã làm lu mờ đi thực tại biến động và bất ổn của Nhật Bản.
Kiến trúc viễn tưởng hoành tráng nhằm dập tắt đi những tiếng nói và sự đấu tranh của giới tri thức trẻ trên chính trường dân chủ. Những gian hàng nhộn nhịp của triển lãm lấn át hình ảnh những chiếc B52 đang bay lượn lờ phía trên căn cứ quân sự Okinawa. Hàng trăm màn hình điện tử nhấp nháy, khỏa lấp đi hình ảnh những đoàn người biểu tình tại Tokyo.
Cuộc biểu tình Anpo 1968
Không chỉ đưa ra giả thuyết về ý đồ của bộ máy chính trị đương thời, Ichirō Hariu còn khai quật lên những mưu tính từ thời Minh Trị khi đế quốc Nhật lần đầu dự định tổ chức Expo vào năm 1940 và sử dụng cuộc Đấu xảo toàn cầu này để thể hiện mưu đồ bành trướng khắp Đông Á. Với khẩu hiệu: “Tám dây buộc mũ dưới một mái hiên nhà” của vị Hoàng đế huyền thoại Jimmon đầu tiên của Nhật Bản, Thiên hoàng và giới quân phiệt những năm 1940 đã dấy lên tinh thần chủ nghĩa dân tộc cực đoan, ngầm phô bày giấc mơ thống trị toàn thế giới của đất nước mặt trời mọc.
Nhưng những nỗ lực bành trướng không thành, bị gián đoạn bởi sự bùng nổ của thế chiến II và kết thúc bằng sự lụi tàn của đế quốc Nhật Bản, để giờ đây thoi thóp và hấp hối dưới “Mái nhà lớn” của Expo 70. Hệ khung giàn phi ra giữa không trung như được gán biểu tượng của “Mái hiên nhà”, nơi toàn dân tộc cùng tề tựu dưới chủ quyền của Hoàng đế. Tuy nhiên, những ánh nhìn tiểu tiết ấy vẫn chỉ là giả thuyết mong manh của một thoáng lịch sử đen tối, giờ đây Quân chủ đã phải lùi bước, nhường lại thượng đài cho những thế lực Kinh tế, Công nghiệp và Chính trị của một thời đại mới.
Vẫn là những âm mưu và tham vọng bao phủ thế giới ấy, nhưng lần này, Nhật Bản đã lựa chọn ngôn ngữ và phương tiện mới của mình chính là sức mạnh Công nghệ và thông tin. Bằng hệ khung giàn “Mái nhà lớn” đồ sộ và phức tạp của Kenzo Tange, những con rô bốt khổng lồ tân tiến của Isozaki cùng những tư tưởng hướng đến “xã hội thông tin” của họ, tuy chỉ trong thoáng chốc được “đông cứng” lại trong năm 1970, Expo tại Osaka đã cho phương Tây và toàn thế giới một tầm nhìn tiên phong trong kiến trúc và công nghệ của Nhật Bản, một sự trỗi dậy không thể làm ngơ của những “con rồng phương Đông”.
Bài viết: Đỗ Quang Vũ – Vũ Anh Tuấn