Với tổng doanh thu 6 tỉ USD cho 2024, Sotheby’s giữ vững vị thế tập đoàn đấu giá lớn nhất thế giới (hồi tháng 12, Christie’s cũng công bố doanh thu 5.7 tỉ USD).
2024 là một năm khó khăn cho toàn bộ thị trường nghệ thuật, bao gồm cả các nhà đấu giá. Với Sotheby’s, trong khi tổng doanh thu từ các phiên đấu giá công khai (auction sales) giảm mạnh 28%, doanh thu cho mảng giao dịch riêng tư (private sales) lại tăng 17%. Điều này chứng tỏ khi thị trường xuống, các nhà ký gửi sẽ dè dặt hơn khi ký gửi lên sàn.
Tuy vậy, với các phiên đấu giá công khai, Sotheby’s vẫn đạt được tỉ lệ bán (sell-through rate) rất cao, ở mức 85%. Có nghĩa là, việc tìm khách mua không phải là vấn đề. Khi thị trường khó khăn, sẽ luôn có những nhà sưu tập / nhà đầu tư thông thái muốn gom tại điểm thấp.
Các lô thuộc hạng “sao” (star lots) vẫn thu hút được sức mua. Những ví dụ nổi bật trong năm bao gồm bức “Hoa súng (Nymphéas)” (1914-1947) của Claud Monet với giá gõ búa sau phí thuế là 65.5 triệu USD, tác phẩm “Diễn viên hài (Comedian)” (2019) của Maurizio Cattelan với mức giá 6.25 triệu USD, hay bộ xương khủng long hoá thạch Stegosaurus ở mức 44.6 triệu USD.
Các bảo tàng tham gia mua-bán đấu giá (tức cả phía ký gửi lẫn sưu tập) ngày càng nhiều với số lượng và giá trị giao dịch tăng gấp đôi so với 2023, với tổng giao dịch 100 triệu USD. Các khách hàng lớn có thể kể đến các bảo tàng Louvre (Paris), National Portrait Gallery (London), Metropolitan Museum of Art (New York) hay National Gallery of Victoria (Melbourne).
Sotheby’s tiếp tục đầu tư vào cơ sở vật chất. Các showroom mới khai trương ở Paris và Hongkong giúp tăng lượng khách đến thăm lên gấp đôi. Tại New York, Sotheby’s vừa mua lại thành công tòa nhà Breuer theo kiến trúc Brutalism để làm đại bản doanh mới.
Phóng chiếu về phân khúc nghệ thuật Đông Nam Á / Việt Nam / Đông Dương, dưới đây là một số thu hoạch của riêng tôi:
– Tranh Đông Dương vẫn là phân khúc hút thanh khoản mạnh nhất (90%) cho nghệ thuật Việt Nam trên các sàn đấu giá. Tuy nhiên đã có sự xuất hiện đều đặn của những tên tuổi thế hệ kháng chiến, hậu hiện đại và đương đại, tạo tiền đề cho những bước đầu xây dựng những phân khúc này.
– So với mặt bằng chung, phân khúc Việt Nam tại Sotheby’s đạt kết quả tốt hơn, với tỉ lệ bán 90% trở lên. Trong Phiên tháng 1 vừa rồi tại Sotheby’s Singapore, dòng tranh Đông Dương có tỉ lệ bán 100%.
– Trong năm 2024, một số lô nổi bật mà tôi rất tự hào được là một phần trong đội ngũ chuẩn bị bao gồm: việc tái khám phá bức sơn dầu quan trọng của Nguyễn Phan Chánh “Người hát dân ca (Les Chanteuses de Campagne)” (1930) tại Sotheby’s Paris, trở thành tác phẩm mỹ thuật Việt đầu tiên trong năm đạt mức triệu đô; bức tranh lụa “Tâm sự (Confidence)” (1941-1942) của Lê Phổ đạt hơn 600,000 USD tại Sotheby’s Hongkong; và bức sơn mài “Mẹ và con nằm ngủ ở bìa rừng (Mère et fille allongées à l’orée d’un bois)” (khoảng 1960) của Alix Aymé đạt 267,000 USD tại Sotheby’s Singapore, vượt xa giá ước tính.
– Tuy vậy, tiềm năng cho phân khúc Việt Nam còn rất lớn. Các nước Đông Nam Á khác đã và đang đi trước chúng ta rất nhiều về cả tổng thanh khoản giao dịch và kỷ lục giá xuyên suốt các phân khúc hiện đại và đương đại. Thí điểm như trong phiên Sotheby’s Singapore vừa rồi, nữ nghệ sỹ đương đại Christine Ay Tjoe sinh năm 1973 người Indonesia, đã phá kỷ lục cá nhân với bức sơn dầu “Lights for the Layers” (2011) với mức 2.2 triệu USD; còn cố điêu khắc gia Kim Lim người Singapore cũng lập kỷ lục với tác phẩm “RONIN” (1963) với 122,000 USD. Trong tương lai, những tên tuổi đã được minh chứng của chúng ta hoàn toàn có khả năng và cơ sở để đạt được những mức giá như vậy, một cách bền vững.
Điểm sơ như vậy, nhân dịp đầu xuân. Để thấy rằng có những điểm sáng nhất định trong bối cảnh khó khăn chung.
Trân trọng,
Ace Lê
Sotheby’s